Đa dạng hình thức sản xuất nâng cao thu nhập
Trong những ngày này, ông Châu Văn Du ở ấp Nhơn Thuận 1A, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang tận dụng những khoảng đất trống xung quanh vườn nhãn 7 tháng tuổi để trồng bắp, đậu, rau cải…kịp bán vào dịp Tết nguyên đán sắp tới. “Nếu giá bắp, đậu vẫn giữ ổn định như dịp Tết năm rồi thì chỉ khoảng 3 tháng sau vườn cây màu này của gia đình tôi sẽ cho lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng”- ông Nguyễn Văn Du chia sẻ.
Theo ông Châu Văn Du, mặc dù gia đình ông có hơn 10 công đất trồng lúa, nhưng đời sống luôn gặp khó khăn vì thời tiết thất thường, sâu bệnh phát sinh, giá lúa bấp bênh. Để đảm bảo thu nhập cho gia đình, đầu năm 2022, ông đã mạnh dạn thuê xáng cạp lên líp trồng nhãn Indo kết hợp trồng bắp, đậu,…theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Với cách làm này, ông Du không còn phải lo thiếu nguồn nước sản xuất mà nguồn thu từ cây màu trong một vụ cũng cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, tình trạng mưa lớn, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mekong đổ về kết hợp với triều cường dâng cao đã làm cho hàng trăm hecta đất của các hộ dân ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang bị ngập sâu. Thay vì đắp đập, be bờ, hút nước để gieo xạ vụ lúa thu Đông như trước đây, hiện nay nhiều người dân không trồng lúa nữa mà chuyển sang nuôi cá trên diện tích đất lúa.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Vào thời điểm này mấy năm trước, tôi thường đầu tư cải tạo đất để xạ vụ lúa Thu Đông, nhưng hiệu quả không cao vì thời tiết thất thường, chi phí đầu tư tăng. Năm nay, tận dụng nguồn nước dồi dào, tôi đã mạnh dạn bỏ vụ lúa Thu Đông chuyển qua nuôi cá trên diện tích đất lúa, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất lúa nhằm thuận theo tình hình thời tiết, nguồn nước, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Châu Thành A, từ năm 2002 đến tháng 6/2022, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương và địa phương cũng như sự linh hoạt trong việc chuyển đổi các hình thức sản xuất thích ứng với BĐKH đã giúp cho hơn 14.500 hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, ngành chức năng huyện Châu Thành A đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân, trong đó có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các mô hình sản xuất thích ứng BĐKH, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo năng xuất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, sạch vệ sinh môi trường cho các hộ dân.
Chủ động ứng phó BĐKH
Thông tin với phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, trong đó chịu tác động trực tiếp và gây thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do BĐKH gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp -ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hiện nay Hậu Giang đang tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí lịch thời vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh…”.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức từ 1%/năm; giảm tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số từ 2%/năm trở lên;… Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, chuyển đổi hình thức sản xuất thích ứng với BĐKH; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân…
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có tính chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn; sử dụng hệ thống tưới phun tự động thích ứng với hạn hán cho vườn cây ăn trái; tăng cường liên các hộ nông dân qua hình thức hợp tác xã để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, kết hợp giao thông nông thôn. Qua đó duy trì sự phát triển ổn định của lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Song song với đó, để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp,…thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở gây ra, tỉnh Hậu Giang một mặt triển khai các giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế sạt lở, mặt khác đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ bố trí nơi ở an toàn cho người dân giúp họ ổn định đời sống.
Trong thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà, vật kiến trúc, hoa màu, đất đai của hàng trăm hộ dân. Để chủ động phòng chống sạt lở, huyện Châu Thành đã triển khai các công trình xây dựng bờ kè kiên cố tại một số điểm cặp với sông Cái Côn, sông Mái Dầm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động trồng cây, dùng cừ tràm, tre gia cố bờ sông kênh rạch hạn chế sạt lở đất.
“Bên cạnh các giải pháp nêu trên, huyện Châu Thành còn phối hợp với một số Sở, ngành chức năng triển khai xây dựng các cụm, tuyến dân cư để bố trí nơi ở cho các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, giúp họ yên tâm lao động để vươn lên trong cuộc sống”- ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho phóng viên biết.