Linh hoạt ứng phó
Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực sản xuất lúa, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản phát triển. Song, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc phát triển sản xuất. Đứng trước những thách thức, khó khăn nêu trên, người dân đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mùa vụ, mô hình canh tác; đồng thời, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động; trồng rau, dưa lưới trong nhà màng; hạn chế sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất;…vừa để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Văn Út (ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Trước đây, vào thời điểm mùa khô, gia đình tôi lại lo thiếu nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, trong mùa khô năm 2021 - 2022 và các năm tiếp theo, gia đình tôi không còn phải lo thiếu nước nữa vì đã đầu tư được hệ thống tưới nước tiết kiệm cho hơn 4 công đất trồng bưởi của gia đình”.
Trong thời gian qua, nắng mưa thất thường, nguồn nước ngày càng cạn kiệt khiến cho việc canh tác hơn 5 công lúa của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy (ở xã Trường Long, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, gia đình ông Duy đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Với sự linh hoạt chuyển đổi này đã giúp gia đình ông Duy yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động thích ứng với BĐKH. Ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sở NN&PTNT đã triển khai các biện pháp giúp việc sản xuất của người dân thích nghi với BĐKH như: nuôi trồng thủy sản ở những vùng xâm nhập mặn; chuyển sang trồng hoa màu ở những nơi giảm lượng mưa; áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, tưới tiết kiệm nước…”.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng đã tranh thủ các nguồn lực để triển khai thực hiện các công trình, dự án ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng tuyến đê bao Ô Môn - Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, hệ thống cống Nam Xà No; đồng thời, xây dựng hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu tại huyện Vị Thủy. Với các dự án này đã góp phần quan trọng giúp Hậu Giang bảo vệ hơn 66.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trước tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn.
Phát triển theo hướng xanh
Bên cạnh việc chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trong định hướng phát triển các đô thị giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang ưu tiên sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tăng mật độ cây xanh, công viên công cộng; không gian mặt nước; nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng để giảm dần việc sử dụng các phương tiện cá nhân, góp phần đảm bảo chất lượng môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch nhằm hạn chế ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; triển khai các dự án năng lượng sạch góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đến nay, Hậu Giang đã đưa vào vận hành dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 29MW cùng với hơn 1.000 dự án điện mặt trời áp mái nhà, điện sinh khối đã và đang triển khai.
Tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Minh chứng rõ nhất là Hậu Giang đã đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (5.200ha) tại huyện Long Mỹ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn này, Sở NN&PTNT sẽ tập trung quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng đông dân cư.
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung lồng ghép chương trình thích ứng với BĐKH vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hậu Giang sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy trong sản xuất để tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh hoạt động chế biến, tận dụng phụ phẩm nông sản làm phân bón hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.