(TN&MT) - Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT, ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lắp đặt trạm quan trắc tự động khí thải, nước thải, từ đầu năm 2017 đến nay các đơn vị chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đã gửi văn bản thông báo đến các công ty, nhà máy... thuộc đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy định này đã phát sinh những khó khăn cần giải quyết.
Hiện nay Nhà máy xử lý nước thải tâp trung KCN Tân Phú Thạnh là 1 trong 3 đơn vị của tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định. |
Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) của các công ty, nhà máy, khu, cụm công nghiệp thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có tổng cộng 8 nhà máy, công ty và 9 khu, cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày đêm thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động về khí khải, nước thải. "Tính đến tháng 9/2017, Hậu Giang đã có 3 đơn vị, gồm: KCN Tân Phú Thạnh, Nhà máy Giấy Lee&Man và Công ty TNHH MTV Masan hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc tự động về khí thải, nước thải theo quy định. Đối với các đơn vị, công ty thuộc đối tượng nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong thời gian tới các đơn vị chức năng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục yêu cầu thực hiện theo đúng quy định"- Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang thông tin.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc yêu các đối tượng thuộc diện phải lắp đặt trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang nảy sinh một vấn đề liên quan đến lưu lượng xả thải thực tế so với công xuất thiết kế được đề cập trong báo cáo ĐTM tại một số công ty, doanh nghiệp. Cụ thể, theo báo cáo ĐTM, lưu lượng xả thải của Công ty CP Thủy sản Cafatex là 1.500m3/ngày đêm, nhưng thực tế lưu lượng xả thải của công ty này trong thời gian qua chỉ dao động từ 500 đến 600m3/ngày đêm. "Theo quy định pháp luật hiện hành thì với lưu lượng xả thải này Công ty CP Thủy sản Cafatex không thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp đặt trạm quan trắc tự động nguồn nước thải. Vừa qua, công ty đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang để yêu cầu xem xét giải quyết theo hướng không lắp đặt trạm quan trắc tự động "- Ông Nguyễn Hữu Thiều, cán bộ phụ trách môi trường Công ty CP Thủy sản Cafatex cho biết.
Theo ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, vừa qua chi cục đã tiếp nhận được ý kiến liên quan đến vấn đề này của một số công ty, doanh nghiệp, trên cơ sở đó chi cục cũng đã có văn bản xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, "Để giải quyết trường hợp giống như Công ty CP Thủy sản Cafatex hiện nay có 2 hướng: Một là, công ty này đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định. Hai là, lập thủ tục để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lại công xuất thiết kế trong báo cáo ĐTM cho phù hợp với lưu lượng xả thải thực tế hiện nay"- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, Đào Trọng Ngữ cho biết.
Lê Hùng