PV: Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua?
Ông Lê Quốc Việt: Thời gian qua, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động; đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Các vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được người dân quan tâm, phản ánh kịp thời, góp phần giúp các cơ quan chức năng kịp thời ngăn ngừa phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BVMT ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức đã từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng dân cư trong việc BVMT đất, nước, không khí; nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT tiếp tục được tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện, nhất là việc hiện đại hóa các trang thiết bị quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT trong quá trình hoạt động; hầu hết các khu, cụm công nghiệp tập trung đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về BVMT.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh, ngày 19/4/2021, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức hơn 1.990 cuộc tuyên truyền với hơn 143.000 lượt người tham dự; cấp phát trên 4.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về BVMT; xây dựng 888 phóng sự, chuyên đề, thông điệp, bản tin phát trên các phương tiện truyền thông; triển khai hoàn thành thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn tại TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy...
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan củng cố và thành lập mới 361 Tổ vệ sinh môi trường tại 361 ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý hơn 10 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hỗ trợ các địa phương 8 xe đẩy tay thu gom rác, 228 thùng rác công cộng và 2.500 sọt chứa rác hộ gia đình; hoàn thành cải tạo và khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Kinh Cùng và xây dựng phương án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tân Tiến và bãi rác Long Mỹ.
Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đã đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT, việc chấp hành quy chế quy ước cộng đồng vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa; khu vực, ấp văn hóa, văn minh đô thị, chợ văn minh; cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đơn vị có môi trường văn hóa tốt, trường học thân thiện, học sinh tích cực, bình xét, suy tôn danh hiệu người tốt việc tốt…
PV: Công tác triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Việt: Thời gian qua, nhằm góp phần sớm đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào thực tiễn, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh Hậu Giang ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang và các cơ quan, đơn vị chức năng còn tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, hội viên các đoàn thể. Tính lũy kế đến tháng 6/2022, đã tổ chức gần 300 cuộc tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 6.400 lượt người; đồng thời, Sở TN&MT cũng tích cực nhắc nhở và kịp thời hướng dẫn các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định nhóm dự án để lập các thủ tục về môi trường, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường...
PV: Để thực hiện hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào?
Ông Lê Quốc Việt: Thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục triển khai, quán triệt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong thực thi các quy định pháp luật về BVMT; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, Chương trình hành động về BVMT và Kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền BVMT giữa Sở TN&MT với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về BVMT; đẩy mạnh phong trào chống rác thải nhựa; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn.
Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng sẽ chủ động phòng ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm do chất thải từ các khu vực đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung; nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, dân cư về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với công tác BVMT.
Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật môi trường để làm cơ sở cho địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giúp tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, mua sắm trang thiết bị và hạ tầng phục vụ công tác BVMT ở địa phương ngày càng tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!