Theo đó, qua hơn 1 năm tiến hành điều tra đã ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có 978 loài động, thực vật đang sinh sống, trú ngụ tại đây. Trong đó, thực vật bậc cao có 352 loài, nấm 57 loài, động vật đất 59 loài, nhóm nhện 61 loài, 100 loại côn trùng, 13 loài thân mềm, 20 loài động vật đáy. Bên cạnh đó, còn ghi nhận được 78 loài tảo lam, 95 loài tảo lục, 75 loài cá. Trong số các loài động, thực vật tìm được có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, đề tài còn xây dựng được bản đồ chi tiết hạ tầng, đa dạng sinh học với 12 bộ chuyên đề và một bản đồ về cơ sở hạ tầng. Qua đó, chủ nhiệm đề tài kiến nghị có thể xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái rừng, bảo vệ và khôi phục các loài thủy sản tại đây.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tọa lạc tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với tổng diện tích trên 2.800ha, được chia làm 3 phân khu chức năng, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ- hành chính. Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Lư Xuân Hội cho biết, trên cơ sở kết quả điều tra này, Khu Bảo tồn sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên trách về nghiên cứu khoa học tại chỗ, xây dựng chương trình hành động chi tiết về công tác bảo tồn, đề ra các giải pháp bảo vệ nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa, đặt biệt là động vật quý hiếm, bảo tồn và tái tạo hệ sinh thái đất ngập nước, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho khu bảo tồn nói riêng, vùng Tây sông hậu nói chung.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này "Bên cạnh sự chủ động của Khu Bảo tồn thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí, đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị...phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật bản địa quý hiếm đang sinh sống, trú ngụ tại đây..."- ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng kiến nghị.