Hấp lực của đường cao tốc Bắc – Nam

06/03/2015 00:00

(TN&MT) - Thời điểm hiện tại, tuyến TPHCM – Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. 

 

(TN&MT) - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai hiện nổi lên như là “điểm nhấn” của khu vực Đông Nam bộ, bởi năm 2015 có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm liên kết toàn vùng và cả nước hoàn thành đưa vào sử dụng. Cụ thể, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây liên kết giao thông giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ…, đây cũng là hình hài của cao tốc Bắc – Nam trong tương lai.

Tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất cả nước vào thời điểm hiện tại.
Tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất cả nước vào thời điểm hiện tại.

Rút ngắn khoảng cách

 

Thời điểm hiện tại, tuyến TPHCM – Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dài 55km, thiết kế tốc độ cho phép xe ô tô chạy tối đa 120km/giờ, rất có ý nghĩa trong việc thay đổi “diện mạo” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước.  

 

Ngày trước, tuyến đường từ TPHCM - Vũng Tàu dài 120km người dân thường chọn hai hướng đi. Hướng thứ nhất từ xa lộ Hà Nội (quận 2, TPHCM) chạy thẳng tới Ngã ba Vũng Tàu (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) rồi quẹo phải. Nếu chạy theo hướng này thường phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới tới thành phố Vũng Tàu, nhưng chưa tính đến việc Ngã ba Vũng Tàu thường xuyên ùn tắc giao thông. Hướng thứ 2 là đi qua phà Cát Lái (quận 2), về huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), sau đó chạy ra quốc lộ 51. Nếu đi theo hướng này thì quãng đường rút ngắn khoảng 10km, nhưng thời gian chờ đợi qua phà rất mất thời gian, chưa kể những ngày cưới dịp cuối tuần, ngày lễ… hai đầu bến phà quá tải, tình trạng kẹt phà vài tiếng đồng hồ diễn ra là chuyện bình thường. Chính vì vậy, từ khi tuyến cao tốc hiện đại nhất nước đi vào hoạt động, người tham gia giao thông từ TPHCM đi huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chỉ mất 20 phút, còn đi Vũng Tàu chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút.

 

Từ khi đi vào sử dụng, thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào dịp đầu năm 2015, mỗi ngày có vài nghìn lượt xe qua lại, giảm tải đáng kể lượng xe đi trên quốc lộ 1A (đoạn đi qua thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Anh Lâm Thanh Hải, tài xế đường dài, quê Tiền Giang, nói: “Cao tốc được xây dựng quá tiện ích, tiết kiệm thời gian cho cánh lái xe rất nhiều, còn nhân viên thu phí trên tuyến cao tốc niềm nở nhiệt tình, tạo cho chúng tôi tâm lý thoải mái. Tôi hình dung một ngày không xa, song song với quốc lộ 1A là đường cao tốc Bắc – Nam hiện đại như thế này”.

 

Còn ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây thì khẳng định, tuyến đường có thiết kế từ 100 – 120km/giờ, khiến thời gian từ TPHCM đi thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) rút ngắn hơn một tiếng đồng hồ, so với việc lưu thông theo quốc lộ 1A. Công trình này đã đưa tỉnh Đồng Nai trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông hiện đại nhất Việt Nam.

Trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Nhiều dự án “khủng”

 

Một tin vui trong những ngày đầu Xuân Ất Mùi đối với tỉnh Đồng Nai, đó là Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài gần 100km, tiếp nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây sẽ được thực hiện theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) mà Bộ Giao thông - Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục để khởi công vào tháng 9 năm nay. Tổng chi phí xây dựng tuyến đường là gần 760 triệu USD. Trong tương lai gần, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ được nối với cao tốc Phan Thiết – Nha Trang, có chiều dài hơn 220km.

 

Tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng được nhiều người quan tâm. Đến quý 1 năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã thống nhất phương án xây dựng tuyến đường này và cũng được ghi tên vào danh sách công trình được khởi công trong năm 2015. Tuyến đường có chiều dài gần 80km, trong đó đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ (dài 47km) được đề xuất đầu tư trước, với số vốn dự kiến hơn 7.600 tỷ đồng. Đường được thiết kế là cao tốc loại A, vận tốc 100km/h.

 

Một tuyến đường quan trọng không kém là cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, có tổng chiều dài hơn 200km, điểm đầu nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây tại ngã ba Dầu Giây, điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương – Prenn (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến cao tốc đi “xứ sở sương mù” này dự kiến có 6 làn xe, chiều rộng mặt đường 33 mét, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD.

 

Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Tuyến cao tốc này sẽ góp phần giảm lượng xe cho quốc lộ 20 đang bị quá tải và rút ngắn khoảng cách giữa Đà Lạt với vùng Đông Nam bộ.

 

Và như vậy, đã rõ nét hơn về một tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại giữa người dân của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến với người dân “Hòn ngọc Viễn Đông”.

 

                                                                                      Bài & ảnh: Thục Vy

         

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hấp lực của đường cao tốc Bắc – Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO