Hành trình về quê sau dịch Covid-19: Mỏi mòn… trên từng cây số

Xuân Lam| 07/10/2021 11:43

(TN&MT) - Hàng trăm xe máy đã được CSGT dẫn đoàn xuất phát để vào hầm chạy về hướng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Xe của lực lượng CSGT dẫn đầu đoàn đi vào hầm. Đoàn xe máy của người dân sẽ đi sau xe dẫn đoàn. Cuối đoàn, lực lượng chức năng sẽ bố trí xe của các đoàn từ thiện, xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe phục vụ sửa chữa xe máy...

Và dòng người cứ tấp nập “Bắc tiến” để về với quê hương, một hành trình dài dằng dặc trải qua bao vất vả, khó khăn.

Hành trình “để đời”…

Những ngày qua, trên những chuyến hồi hương vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầy khó khăn, nhọc nhằn và nguy hiểm, có những người mãi nằm lại trên con đường trở về...

Tiếng mưa rơi xuống tấm tôn cạnh đường lộp bộp, mùi hơi đất sau mưa làm không khí đặc quánh ngày thu đầu tháng 10/2021. Anh Lê Văn Lâm (quê tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: "Nhận được thông tin Đà Nẵng cho phép người dân được qua hầm để về quê mình cảm thấy rất biết ơn. Vì quãng đường di chuyển dài nên ai cũng rất mệt mỏi. Tại khu vực Trạm trung chuyển hầm Hải Vân, chúng tôi đã được hỗ trợ thực phẩm, áo mưa, nước uống, sữa… hỗ trợ miễn phí đổ xăng, sửa chữa xe máy, thay nhớt… Tôi cảm ơn thành phố rất nhiều".

Mòn mỏi trên từng cây số

Dáng người nhỏ thó, co ro, Sùng A Xoài (quê tỉnh Nghệ An) bần thần ngồi cạnh vệ đường nhìn dòng xe nối đuôi nhau về bãi tập kết sau chuyến hành trình dài hàng trăm cây số. Trận mưa lớn giữa đêm khiến A Xoài mất lái, xe máy đâm vào taluy, anh cùng vợ (đang mang thai 6 tháng) ngã xuống đường, trầy xước đầy mình.

Cú ngã khiến cơn buồn ngủ của vợ chồng A Xoài bay mất. Mưa xát vào vết thương, đau buốt. A Xoài nén cơn đau vượt đèo Lò Xo (địa phận tỉnh Quảng Nam) cùng vợ tìm chỗ nghỉ chân. "Cái tay, cái chân chảy máu rồi", A Xoài nói nhỏ bằng giọng Kinh chưa sõi. Người vợ ôm bụng nhìn A Xoài lo lắng.

Đã 3 tháng trôi qua, A Xoài phải nằm nhà vì dịch Covid-19, công việc tại Bình Dương cũng tạm dừng. Khi tỉnh này căng sức với cuộc chiến chưa từng có, cuộc chiến không tiếng súng, không hình hài nhưng đáng sợ, còn với vợ chồng A Xoài cũng vật vã với cơm-áo-gạo-tiền. Những mong ngóng, đợi chờ để rồi đến lúc này 2 vợ chồng đành ngậm ngùi khăn gói về quê.

"Nó (dịch Covid-19 - PV) kinh khủng quá. Ai cũng phải ở nhà hết, không đi làm được. Ở thêm là đói, về quê thôi!", A Xoài nói.

Những ngày qua, dòng người kéo nhau rời TP.HCM và các tỉnh miền Nam tăng đột biến, dù các cuộc hồi hương lẻ tẻ đã bắt đầu từ những tháng trước. Từ những người đang dồi dào sức lao động, những cụ già, phụ nữ mang thai đến cả em bé mới 9 ngày tuổi đều hồi hương. Cuộc hồi hương cứ thế diễn ra đầy trắc trở và xót xa.

Dọc đường từ Đà Nẵng ra Huế, PV nhập đoàn cùng nhóm lao động quê Nghệ An. Họ là những người dân tộc thiểu số mới vào Bình Dương làm thuê chưa được bao lâu thì buộc phải trở về quê vì dịch Covid-19.

Anh Sùng A Lỳ (dân tộc Mông, quê tỉnh Nghệ An) chạy xe máy chở theo vợ cùng đứa con chưa tròn 8 tháng tuổi ngồi kẹp giữa. Quần áo, mùng mền và một ít bánh mì được vợ chồng A Lỳ buộc sau xe. "Họ đi bằng niềm tin, không còn biết sợ", một người phụ nữ phải thốt lên khi bắt gặp chiếc xe máy Sirius rách bươm mà A Lỳ chạy.

Chiếc xe mà A Lỳ phải bán gà, bán lúa ở quê để mua làm phương tiện kiếm cơm những ngày xa quê, nay trở về cũng chỉ còn độc chiếc xe cùng vài con gà. "Đi đường xa thế có sợ không?", PV hỏi.

Và dòng người cứ tấp nập “Bắc tiến” để về với quê hương, một hành trình dài dằng dặc trải qua bao vất vả, khó khăn

"Không sợ, gần về tới nhà rồi. Ở lại thì không có cái ăn, công việc cũng không có. Phải về nhà chớ khổ quá", A Lỳ vừa nói vừa đưa tay bế đứa con nhỏ đang khóc để vợ nghỉ đỡ mệt. Cùng đi với A Lỳ còn có gia đình người anh ruột và một vài người trong thôn, tất cả đều ở tỉnh Nghệ An.

Ấm tình đường về quê

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đơn vị quản lý hầm Hải Vân cho hay: "Chúng tôi cũng đã nhận được công văn đề nghị phối hợp, hỗ trợ người dân qua hầm từ chính quyền địa phương, cụ thể là TP. Đà Nẵng. Mặc dù vậy, đơn vị phải rà soát nhân lực, vật lực để phục vụ sao cho chu đáo. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 cũng là một trong những điều kiện để mở lại cửa hầm cho xe trung chuyển xe máy" - ông Huy cho biết.

Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hạy, lãnh đạo TP đã thống nhất giao Công an TP chủ trì cùng các sở, ngành, dùng ô tô chở những người đi bộ từ các tỉnh phía Nam về qua TP. Ông Chinh đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP tổng hợp kinh phí tổ chức để UBND TP duyệt.

Những ngày qua, trên những chuyến hồi hương vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầy khó khăn, nhọc nhằn và nguy hiểm, có những người mãi nằm lại trên con đường trở về...

Theo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP. Đà Nẵng), ước tính trong mấy đêm nay, có đến hơn 2.000 người điều khiển xe máy về quê ngang qua TP. Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Đà Nẵng cho biết thêm, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện trung chuyển người đi bộ từ các tỉnh phía Nam về quê ngang qua TP.

Theo đó, trong mấy ngày qua, CSGT Công an TP. Đà Nẵng đã tổ chức hơn 40 chuyến xe ô tô đưa hơn 1.500 người từ chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc và bàn giao về chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đại tá Truyền cho hay, ngoài việc tổ chức trung chuyển bằng ô tô với người đi bộ, lực lượng CSGT cũng tổ chức dẫn đoàn cho người về quê từ phía Nam bằng xe máy để đảm bảo lộ trình của bà con được thuận tiện, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình về quê sau dịch Covid-19: Mỏi mòn… trên từng cây số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO