Xã hội

Về quê hương Thượng Đức anh hùng

Lan Anh 07/08/2024 - 20:48

Trong kháng chiến, quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ví chi khu quân sự Thượng Ðức (xã Ðại Lãnh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam), là “cánh cửa thép” án ngữ phía tây căn cứ quân sự Ðà Nẵng, là bàn đạp kiểm soát, tiến công đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh qua vùng rừng núi Quảng Nam. 50 năm sau chiến thắng Thượng Ðức, “cánh cửa thép” năm xưa đã “thay da đổi thịt”, núi đồi biền bãi phủ mầu xanh bất tận của lúa, khoai, ngô đang vào vụ.

Đất lửa anh hùng

Thượng Đức nằm về phía tây, tây bắc của huyện Đại Lộc, trong đó có các xã Lộc Vĩnh, Lộc Bình và Lộc Ninh (nay là bốn xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng và Đại Sơn của huyện Đại Lộc).

Có vị trí chiến lược lợi hại với lưng dựa vào núi, hai bên là sông Côn và sông Vu Gia bao bọc, có đường chiến lược 14B chạy ngang qua và cách Đà Nẵng 50km về phía tây nam, Thượng Đức được địch xác định là “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng và xây dựng thành một căn cứ quân sự kiên cố có hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép và sân bay cùng hơn 1.600 lính.

ct_3.jpg
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức nằm ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Xuân Sơn)

Những năm 1969-1970, quân ta đã hai lần tiến công Thượng Ðức, vì thế, quân đội Việt Nam Cộng hòa càng ra sức củng cố trận địa, làm thêm lớp bê-tông dày, đắp bao cát trên các lô-cốt, dự trữ vũ khí, lương thực... với lời thách thức “nước sông Vu Gia có chảy ngược thì may ra Việt Cộng mới chiếm được Thượng Ðức”.

Phía ta xác định, nếu làm chủ Thượng Đức sẽ gây áp lực lên địch ở tuyến phòng ngự tam giác Ái Nghĩa - Vĩnh Điện - Hòa Cầm, tạo bàn đạp tấn công Đà Nẵng, đồng thời thông được hành lang vận chuyển của ta từ tuyến đường đông Trường Sơn xuống đồng bằng theo đường thủy và đường bộ.

ct_4.jpg
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh để giải phóng và bảo vệ Thượng Đức (Ảnh: Xuân Sơn)

Ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức. Với sự đồng lòng đánh địch của quân và dân, phía ta tạo được thế kìm chế địch từ Ba Khe vòng qua sông Vu Gia đến đông nam cứ điểm Thượng Đức. Sau 10 ngày bao vây đánh lấn quyết liệt, Sư đoàn 304 làm chủ hoàn toàn chi khu Thượng Đức vào ngày 7/8/1954.

ct_5.jpg
Đài tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức là nơi để nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hi sinh của thế hệ cha anh vì độc lập tự do của Tổ quốc (Ảnh: Xuân Sơn)

Trong ký ức còn vẹn nguyên của ông Nguyễn Trung Chính, Nguyên Chính trị viên Huyện đội Ðại Lộc kể lại: Lúc đầu trận chiến ác liệt lắm, quân ta thương vong nhiều vì địch có hệ thống giao thông hào kiên cố, liên hoàn nối 35 lô cốt nửa chìm nửa nổi. Mỗi lô cốt rộng 4 m2 bằng bê-tông cốt thép, bao bọc thêm hai lớp bao cát. Nhiều công sự có nắp, hệ thống nhà hầm và hầm ngầm kiên cố, sức chứa đến hơn vạn quân cùng các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất thời đó. Nhưng ta có cách đánh quả cảm, sáng tạo, nhất là vác pháo, tên lửa lên các điểm cao, nhắm thẳng vào lỗ châu mai của địch mà bắn.

Giải phóng Thượng Ðức, quân ta đã nhanh chóng xé toang “cánh cửa thép”, giải phóng hơn một vạn dân và vùng địa bàn rộng lớn, quan trọng, uy hiếp trực tiếp đến căn cứ quân sự Ðà Nẵng. Chiến thắng Thượng Đức trở thành biểu tượng chiến thắng của tập thể anh hùng, là tấm gương sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng, về tinh thần tiến công liên tục, ý chí chiến đấu sắt đá, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, huyện Đại Lộc.

ct_1.jpg
Chiến trường Thượng Đức nay đã phủ màu xanh bất tận của lúa, khoai, ngô đang vào vụ (Ảnh: Xuân Sơn)

Sinh thời, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này - Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”.

Đổi thay từng ngày

Những ngày này, đường về khu di tích chiến thắng Thượng Đức rợp cờ đỏ sao vàng. Mênh mang trong ráng chiều, rừng keo lá tràm rì rào như đang kể chuyện xưa, chuyện nay. Nơi ngã ba sông Côn hòa vào dòng lớn Vu Gia, những xóm thôn trù mật, yên bình soi bóng. Bên này là An Tân, Trúc Hà, Hà Tân, Ðại An, bên kia sông là Ðông Phước, Dục Tịnh, Ngọc Kinh... đâu cũng xanh mướt một mầu cây trái.

ct_11.jpg
Nguyên Xã đội trưởng xã Ðại Lãnh Nguyễn Văn Hai kể lại ký ức hào hùng về chiến thắng Thượng Đức (Ảnh Xuân Sơn)

Bà Trương Thị Minh Phương – Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) cho biết, 50 năm kể từ sau chiến thắng Thượng Đức, xã Đại Lãnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư khang trang như: Đường giao thông nông thôn, trường học, y tế, thiết chế khu văn hoá thôn, nhà văn hoá xã, chợ… đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Diện mạo quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Xã Đại Lãnh được công nhận xã nông thôn mới năm 2019. Đời sống người dân cũng ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 56 triệu/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,25%.

ct_8.jpg
Thượng Đức bình yên ngày nay (Ảnh: Xuân Sơn)

50 năm đã qua, Chiến thắng Thượng Ðức vẫn ngời sáng trong ánh mắt, trái tim người du kích năm xưa, nguyên Xã đội trưởng xã Ðại Lãnh Nguyễn Văn Hai: Thi thoảng, tôi lại leo lên đồi 52 nhìn ngắm quê hương, ở đấy nhìn bao quát được cả thung lũng Thượng Ðức này. Không còn dấu tích chiến tranh, chỉ thấy cây cối trải dài từ làng xóm ra đồng ruộng, lên mãi tít tắp núi non, "cánh cửa thép" ngày xưa giờ xanh tươi, mát mắt lắm".

Chiều chớm thu, trước khi rời chiến trường năm xưa, chúng tôi hái một bó sen lên thắp hương trên Tượng đài Chiến thắng Thượng Ðức. Những cánh sen hồng tươi, ngọt ngào, kiêu hãnh tỏa hương, như tấm lòng tri ân của người dân xứ Quảng đối với những hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về quê hương Thượng Đức anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO