Xã hội

Bỏ nghề cơ khí, 2 chàng trai về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp

Thanh Tâm 12/02/2025 - 21:31

Hai chàng trai trẻ ở huyện Nông Cống (Thanh Hoá) đã từ bỏ công việc cơ khí, trở về quê hương theo đuổi đam mê làm nông nghiệp. Sau nhiều năm, cánh đồng hoang đã biến thành vựa ngô, khoai tây và hoa cúc cho thu nhập ổn định.

Đôi vợ chồng đam mê nông nghiệp từ nhỏ

Mới ra tết, thời tiết còn tương đối lạnh nhưng vợ chồng anh Trương Văn Dũng (31 tuổi), thôn Thái Tượng, xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, đang tất bật chăm sóc cho những luống khoai tây được trồng trước tết.

Được biết, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Thanh Hóa, anh làm thợ cơ khí cho một công ty ở khu công nghiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, với mức lương ổn định. Tuy nhiên, vì đã có đam mê làm nông nghiệp từ nhỏ, năm 2027 anh Dũng nghỉ việc trở về quê hương.

Anh Dũng cho biết, thời điểm mới nghỉ việc bố mẹ không hài lòng khi anh nghỉ việc lương cao về làm nghề nông như bố mẹ.

img20250109105140.jpg
Hai vợ chồng Dũng đam mê nông nghiệp, tận tụy với công việc.

Nhưng với tư duy làm nông nghiệp công nghiệp cao, anh Dũng vay bạn bè và ngân hàng một khoản tiền rồi đầu tư máy móc, thầu lại 3ha đất bỏ hoang của bà con trong thôn để trồng ngô sinh khối. Lúc đầu, thấy anh Dũng bỏ tiền, dốc sức vào cánh đồng hoang, ai cũng nghĩ chàng trai sẽ sớm thất bại.

Sau 6 năm trồng ngô sinh khối, hiện đầu ra đã bão hòa. Nhận thấy, khoai tây hợp với thổ nhưỡng đất pha cát của quê hương; năm 2024 anh bắt đầu trồng thử nghiệm 3ha.

Theo anh Dũng, khoai tây dễ trồng hơn các loại cây trồng khác, vốn đầu tư ít, khoảng 7 triệu đồng/sào. Việc chăm sóc loại cây trồng này không quá phức tạp. Sau khi xuống giống, người trồng chỉ việc bón phân 2 lần, làm cỏ, vun gốc và thường xuyên tưới nước, giữ độ ẩm cho đất.

“Thời điểm phù hợp để xuống giống khoai tây là vào giữa tháng 11 âm lịch. Loài cây này sẽ cho thu hoạch sau 3 tháng trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất của khoai tây tăng cao, đạt 25-30 tấn/ha. Vụ vừa qua, tôi thu gần 100 tấn khoai, trừ hết chi phí tôi có hơn 120 triệu đồng tiền lãi” - là kinh nghiệm anh Dũng tích lũy được sau vụ khoai tây thử nghiệm.

Cuối năm 2024, anh Dũng quyết định nhân rộng vùng canh tác lên 30ha và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hệ thống siêu thị GO, với giá 7.800 đồng/kg.

a2.jpg
Các công đoạn trồng trợt chủ yếu do máy móc làm.

"30ha khoai tây vụ mới đã xuống giống được hơn 2 tháng, cuối tháng 2 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Dự kiến, với số diện tích trên, gia đình tôi thu được hơn 500 tấn khoai", anh Dũng nhẩm tính.

Anh Dũng đầu tư máy cày, máy san phẳng mặt ruộng, thiết bị dẫn đường, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động. Đặc biệt, nông trại của anh sử dụng công nghệ máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc và giám sát sự phát triển của cây trồng. Từ đó giúp giảm công lao động và tăng năng suất cây trồng.

Một năm anh chỉ sản xuất một vụ khoai tây, sau đó sẽ trồng ngô lấy hạt. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, nông trại của gia đình anh Dũng còn tạo việc làm, thu nhập cho 6 lao động thời vụ, mức lương 200.000-250.000 đồng/người/ngày.

Làm nông nghiệp đó là được làm chính mình, sống với đam mê, gần gia đình; vợ chồng "đồng cam, cộng khổ", xây ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương là bộc bạch rất chân thành của hai vợ chồng anh Dũng.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, cho biết anh Dũng là gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Việc đến với nông nghiệp của Dũng là một hành trình của đam mê, kiên trì và khát vọng đổi mới. Trước hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng khoai tây của anh Dũng, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các gia đình, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, an toàn.

Trồng hoa vì quá đam mê

Anh Vũ Tiến Sỹ (40 tuổi, ở thôn Thổ Tân, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) từng là cử nhân cơ khí và mở cửa hàng riêng. Tuy nhiên, do nghề cơ khí khó phát triển ở quê, anh đã chuyển hướng sang trồng hoa sau khi được người thân ở Đà Lạt khuyên nhủ.

Dịp Tết này, gia đình anh Sỹ xuất ra thị trường 40.000 cây cúc các loại. Giá bán trung bình 3.000 - 3.500 đồng/bông, thu lãi 90 triệu đồng. 40.000 cây cúc được gia đình anh xuống giống từ tháng 9 để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.

a4.jpg
Anh Sỹ bên những luống hoa cúc đủ màu sắc.

Năm 2017, anh Sỹ đã vào Đà Lạt học kỹ thuật trồng hoa rồi trở về quê và bắt đầu trồng trên diện tích hơn 4ha. Dù gặp thất bại trong hai năm đầu, anh không nản chí và kiên trì học hỏi.

Đến năm 2019, những cây cúc đầu tiên đã bung hoa theo ý muốn. Hiện tại, gia đình anh làm hai vụ cúc mỗi năm, thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi từ hơn 200.000 cây cúc các loại.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa được mùa, được giá. Từ cuối tháng 11 đã có thương lái đặt hàng, bán một vụ hoa cuối năm, gia đình anh đủ tiền tiêu Tết.

Với kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, anh Sỹ cho hay, thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Nông Cống không hợp với trồng hoa cúc, vì thế, muốn thành công với loài cây này, người trồng phải nắm chắc được kỹ thuật trồng.

Khó nhất là việc điều chỉnh quá trình phát triển để cây nở hoa đúng dịp. Để tránh rủi ro do thời tiết, tôi đầu tư thêm 1.000m2 nhà màng để trồng hoa trong những đợt thời tiết nắng nóng hay có gió Lào.

Thời gian tới, anh Sỹ dự định vừa sản xuất hoa, vừa ươm giống, đồng thời, sẵn sàng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

a3.jpg
Để có được thành phẩm như ngày hôm nay, anh Sỹ đã từng thất bại 2 năm liên tục.

Ông Trần Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 10 hộ trồng hoa phục vụ nhu cầu Tết, gia đình anh Vũ Tiến Sỹ trồng hoa quanh năm và có quy mô lớn nhất xã. Anh Sỹ là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Người nông dân này rất chịu khó, ham học hỏi. Nhờ đức tính kiên trì, "dám nghĩ, dám làm", anh Sỹ có thu nhập cao từ trồng hoa.

Theo ông Mậu, việc trồng hoa đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND xã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả qua trồng hoa để phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ nghề cơ khí, 2 chàng trai về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO