Tin tức

Hành trình chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam sắp cán đích

Đức Tâm 22/10/2024 - 13:39

(TN&MT) - Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95%, từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 còn 192 cá thể tại 60 trại gấu tính đến hết tháng 8 năm 2024. Hiện có 46/63 tỉnh thành không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.

Nhằm nhìn lại và ghi nhận những thành quả đạt được trong gần 20 năm nỗ lực chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, sáng 22/10, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức sự kiện “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam - Hành trình sắp cán đích” tại Hà Nội.

env_ba-bui-thi-ha_pgd-env-phat-bieu-khai-macjpg-min.jpg
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, chương trình gắn chip quản lý gấu đã được hoàn thành vào năm 2006. Từ đó đến nay, với sự quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, cùng với sự tham gia của các tổ chức bảo tồn, các tổ chức phúc lợi động vật, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, cùng hàng triệu người dân, hành trình chấm dứt nạn buôn bán gấu đã dần đi đến hồi kết.

Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trên cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật thông qua các hoạt động đăng ký, gắn chíp, thường xuyên theo dõi số gấu bị nuôi nhốt cũng như đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ gấu.

dsc09099.jpg
Ông Lê Duy Phương - Chuyên gia tư vấn Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP)

Ông Lê Duy Phương - Chuyên gia tư vấn Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) cho biết, Bộ NN&PTNT (trực tiếp là Cục Kiểm lâm) và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) đã triển khai thực hiện một chương trình giám sát mở rộng để kiểm tra các cá thể gấu ở các trang trại sau khi hoàn tất việc gắn chíp thế hệ mới.

Bất kỳ cá thể gấu nào được phát hiện không có chíp hoặc không có hồ sơ quản lý đều bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, và được đưa đến các trung tâm cứu hộ của nhà nước hoặc các trung tâm cứu hộ được các tổ chức phi chính phủ tài trợ (Four Paws, Free the Bears hoặc Animals Asia Foundation).

dsc09117.jpg
Bà Bùi Thị Hà (PGĐ ENV) trao tăng kỉ niệm chương cho bà Hoàng Công Hoài Nam và ông Nông Trường Giang

Một số ví dụ điển hình như những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao gấu, đưa tỉnh này trở thành một trong những tỉnh thành đầu tiên không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

Bên cạnh đó, với quyết tâm cao độ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã rất xuất sắc vận động chủ nuôi chuyển giao thành công 94 cá thể gấu từ các trại gấu đến trung tâm cứu hộ.

env_ba-nguyen-thi-phuong-dung-pgd-env-trao-ki-niem-chuong-cho-ong-luong-xuan-hong-giam-doc-trung-tam-cuu-ho-dong-vat-hoang-da-ha-noi-min.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Dung (PGĐ ENV) trao kỉ niệm chương cho ông Lương Xuân Hồng (Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội)

Trong khi đó, Hà Nội vẫn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt hiện nay tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm 2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội với 94,7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ.

“Thời gian gần đây, ENV đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại Hà Nội trong công tác giám sát, thực thi pháp luật cũng như tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao gấu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần tiến hành những biện pháp quyết liệt hơn để thực sự chấm dứt được tình trạng nuôi gấu lấy mật trên địa bàn thủ đô,” bà Hà chia sẻ.

env_cac-vi-dai-bieu-tham-du-su-kien-cham-dut-nuoi-nhot-gau-lay-mat-tai-viet-nam-hanh-trinh-sap-can-dich-min.jpg
Các vị đại biểu tham dự sự kiện Chấm dứt nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam - Hành trình sắp cán đích

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại Hà Nội có thể triển khai một số hoạt động để mang lại hiệu quả tích cực hơn, bao gồm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp nuôi nhốt, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu.

Các cơ quan chức năng cũng cần nỗ lực khuyến khích các chủ gấu còn lại tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không cần “bồi thường”. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần kịp thời xử lý những hoạt động quảng cáo, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và sản phẩm, bộ phận khác từ gấu đang phát triển mạnh mẽ trên internet, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội như Facebook.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam sắp cán đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO