Một phụ nữ trẻ ở Ấn Độ chất đống phân bò, phơi khô, dùng làm nguyên liệu cho chất đốt. Ảnh: World Bank/Scott Wallace |
Cần xây dựng một nền kinh tế bền vững
Ông António Guterres khẳng định: “Thách thức của chúng ta rất rõ ràng là để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới phải cắt giảm ít nhất 45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2010 trong vòng một thập kỷ tới”.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã cùng với hơn 20 "Nhà vô địch toàn cầu" cấp Bộ trưởng tham gia lễ khởi động trực tuyến các bước chuẩn bị cho Đối thoại cấp cao về năng lượng, một sự kiện cấp cao diễn ra vào tháng 9 theo dự kiến. Theo ông, thế giới đang “đi chệch hướng” và cần xây dựng một nền kinh tế bền vững, được thúc đẩy bởi năng lượng tái tạo. “Nếu chúng ta muốn quá trình chuyển đổi năng lượng này diễn ra công bằng và thành công trong việc tạo ra việc làm mới, môi trường sạch hơn, lành mạnh hơn và một tương lai bền vững, các nước đang phát triển cần được hỗ trợ mạnh mẽ”, ông Guterres nhấn mạnh.
Trước Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 9, ông Guterres cho rằng, đối thoại là cơ hội để “đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trên toàn cầu và đảm bảo rằng thế giới đang phát triển có thể tiếp cận với nguồn năng lượng này”.
Các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức khác sẽ được khuyến khích đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn dưới hình thức các Hiệp ước Năng lượng tự nguyện về cách thúc đẩy hành động và đạt được năng lượng sạch, giá cả phải chăng cho mọi người vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2050.
Nỗ lực cùng nhau hướng tới tương lai
Năm nhóm Công tác Kỹ thuật sẽ chuẩn bị một lộ trình toàn cầu để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ bảy (SDG 7); năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2050.
Do tiêu thụ năng lượng chiếm 3/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính, nên nó sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong những tháng tới, các Bộ trưởng nhiều nước sẽ thúc đẩy các cam kết năng lượng nhỏ gọn tự nguyện hướng tới đạt được SDG 7, nhằm đáp ứng kế hoạch của các quốc gia cam kết thực hiện các hoạt động về khí hậu ngày càng tham vọng, hoặc Các đóng góp do Quốc gia xác định (NDC) và các mục tiêu khí hậu dài hạn theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Trong năm 2021, người đứng đầu Liên Hợp Quốc, đồng chủ trì Đối thoại Cấp cao và Đại diện Đặc biệt về Năng lượng Bền vững cho Tất cả đã nhấn mạnh cần hành động quyết liệt để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Liên Hợp Quốc, ngoài các tác động đến môi trường, việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu nấu ăn rắn trong nhà gây ra hơn 1,6 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Lộ trình toàn cầu và thỏa thuận năng lượng thúc đẩy quá trình xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, sẽ hỗ trợ khoảng 800 triệu người không có điện và gần ba tỷ người thiếu nhiên liệu nấu ăn và sưởi ấm hiện đại, sạch sẽ. “Việc thúc đẩy năng lượng bền vững trong năm nay dẫn đến các cam kết quy mô lớn mà chúng ta mong đợi sẽ được nhiều bên liên quan công bố, giúp chúng ta có bước nhảy vọt để đạt được SDG 7 vào thời hạn năm 2030”, Liu Zhenmin, Phó Tổng Thư ký về kinh tế - xã hội tại Liên Hợp Quốc cho biết.
Không được phép thất bại
Năm nay là năm diễn ra hàng loạt hội nghị thượng đỉnh và hội nghị của Liên Hợp Quốc bao gồm Hội nghị Giao thông Bền vững Toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Vương quốc Anh. Các sự kiện này sẽ mang lại những cơ hội lớn để thúc đẩy SDG và Thỏa thuận Paris.
Ông Achim Steiner, đồng chủ tịch Đối thoại cấp cao và Quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết: “Năm 2021, phải là một mốc lịch sử hướng tới năng lượng bền vững cho tất cả mọi người”.
“Khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu đang hiện hữu, chúng ta không được phép thất bại trong cuộc chiến này. Mọi quốc gia, mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp hãy nỗ lực bằng cách tham gia vào một tổ chức năng lượng, một cam kết tự nguyện để mở rộng quy mô năng lượng bền vững”, ông Steiner kêu gọi.