Hành động “ba không” đẩy lùi nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép

Tuyết Chinh| 02/03/2020 18:04

(TN&MT) - Thêm một năm mừng ngày Động vật hoang dã (ĐVHD) thế giới (3/3), câu hỏi “làm gì để người Việt không còn ăn thịt động vật hoang dã?” vẫn chưa thấy được một hồi kết rõ ràng. Giảm và xóa bỏ nhu cầu sử dụng ĐVHD tại Việt Nam là một trong những hành động góp phần bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của ĐVHD.

Những hậu quả nghiêm trọng

Thói quen thích ăn thịt rừng và sử dụng sản phẩm từ các loài động vật hoang dã đã gây ra biết bao hậu quả đáng tiếc và hệ lụy đau thương cho bản thân và xã hội.

Trước hết, tiêu thụ ĐVHD đang góp phần “tiêu diệt’’ chính con người và đồng loại. Tiêu thụ ĐVHD gây tuyệt chủng loài, mất cân bằng sinh thái, tác động xấu trực tiếp lên con người. Đây không phải là một lý thuyết khoa học xa xôi không thực tiễn nữa, mà tác động xấu từ mất cân bằng sinh thái đã xảy ra và có thể thấy rất rõ ràng, chẳng qua là chúng ta đã phớt lờ hoặc không muốn nhìn thấy điều đó.

Thói quen thích ăn thịt rừng và sử dụng sản phẩm từ các loài động vật hoang dã đã gây ra biết bao hậu quả đáng tiếc. Ảnh minh họa

Minh chứng cho điều này, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) lấy câu chuyện về loài rắn lục xuất hiện ồ ạt ở nhiều nơi và tấn công người vào cuối năm 2018, đầu 2019 là một trong những ví dụ rõ ràng nhất. Một nguyên nhân quan trọng là các loài thiên địch của rắn như cầy, cáo, mèo rừng... đã dần biến mất do trở thành “mồi nhậu”, quần thể loài thú ăn rắn không còn nhiều tại khu vực đó, tạo sự sinh sôi quá mức, thức ăn trong môi trường tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu, rắn hướng đến khu vực dân cư để tìm thêm thức ăn nơi có nhiều gia cầm, chuột bọ là nguồn thức ăn chính của rắn.

Hay nạn dịch châu chấu tại Trung Quốc cách đây khoảng 50 năm (từ năm 1958 đến 1962) gây mất mùa lớn, dẫn đến một nạn đói khủng khiếp với hàng chục triệu người bị chết bắt nguồn từ Chiến dịch tìm diệt chim sẻ đã được chính phủ Trung Quốc phát động cùng góp sức vào kế hoạch “đại nhảy vọt” của đất nước vì cho rằng chúng ăn thóc lúa, gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng họ đã không nghĩ rằng chim sẻ ăn sâu bọ nhiều hơn rất nhiều so với ăn thóc. Nên sau khi hàng triệu con chim sẻ bị tiêu diệt cũng là lúc sâu bọ, đặc biệt là châu chấu tràn ngập ruộng đồng, bùng nổ ngoài tầm kiểm soát....

Hậu quả thứ ba phải kể đến là việc tiêu thụ ĐVHD đẩy con người vào tù tội, mất mát, đau thương. Tiêu thụ ĐVHD sẽ kích thích nguồn cầu và tăng nguồn cung. Những con người tù tội vì săn bắt, vận chuyển và mua bán trái phép vẫn liên tục xảy ra. Vì miếng ăn của mình mà một phần gây ra cảnh tù tội cho người khác, hoặc tăng nguy cơ khiến người khác bị mất đi sinh mạng.

Không khó để mọi người tìm được thông tin xử lý phạm pháp về buôn bán trái phép động vật hoang dã trên mạng xã hội. Những câu chuyện thương tâm và về việc “ăn của rừng rưng rưng nước mắt’’ là những bài học lớn để chúng ta nhìn lại thói quen sử dụng động vật hoang dã của mỗi người.

Cuộc chiến giữa người săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã và lực lượng chức năng vẫn diễn ra khi chúng ta tiếp tục tiêu thụ ĐVHD. Cuộc chiến đẩy hai bên rơi vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình truy đuổi, và gây nguy hiểm cho cả người dân. Nhiều cán bộ kiểm lâm bị thương và bị chết hàng năm vì những kẻ săn bắn trộm,

Đặc biệt, tiêu thụ động vật hoang dã góp phần khiến hệ thống kinh tế bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, dẫn đến sự tụt hậu của đất nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh quốc gia.

Thay vì dùng ngân sách nhà nước cho các hoạt động phát triển đất nước hoặc an sinh xã hội khác tốt hơn thì hiện tại kinh phí tài chính, nhân lực của Quốc gia đang đổ vào các hoạt động ngăn chặn săn bắt và mua bán trái phép ĐVHD rất lớn. Kinh phí vận hành các trung tâm cứu hộ trong cả nước. Nguồn nhân lực trên 13.000 Kiểm Lâm trong cả nước và một lực lượng khác như Công an, Hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, Viện kiểm sát, Toà án và các bộ ngành từ trung ương đến địa phương tập trung vào hoạt động ngăn chặn vi phạm luật pháp về ĐVHD. 

Cuối cùng , thêm một năm 2020 mừng ngày Động vật hoang dã thế giới nữa diễn ra, câu hỏi “làm gì để người Việt không còn ăn thịt động vật hoang dã?” vẫn chưa thấy được một hồi kết rõ ràng. Trong mắt nhiều người, động vật sống là để phục vụ con người, chứ không phải chia sẻ Trái Đất với chúng ta, hầu hết chúng ta chỉ mới coi động vật hoang dã là nguồn tài nguyên, chứ không phải đối tượng cần được bảo vệ.

Hành động “ba không”

Còn cầu thì còn cung. Giảm và xóa bỏ nhu cầu sử dụng ĐVHD tại Việt Nam, từ đó đẩy lùi nguy cơ săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép là một trong những hành động góp phần bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của ĐVHD. Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) triển khai chiến dịch giảm cầu sử dụng động vật hoang dã với nhiều chiến dịch truyền thông quốc gia trong năm 2020.

Điểm nhấn trong chiến dịch này là “Trung tâm giáo dục bảo tồn lưu động “hành động ba không” với thông điệp chính “ăn, sử dụng và tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã là tội ác”.

Trung tâm giáo dục bảo tồn thiên nhiên lưu động “ba không” được kỳ vọng tạo nên một trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp, trong đó mỗi người dân Việt Nam cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng cách hành động ba không gồm “không ăn - không sử dụng - không tiếp tay cho buôn bán ĐVHD trái phép”

Tương lai ĐVHD và thiên nhiên Việt Nam phụ thuộc vào lựa chọn hiện tại của chính chúng ta. Không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã; đừng để Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến động vật hoang dã tuyệt chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành động “ba không” đẩy lùi nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO