(TN&MT) - Tại các cảng biển trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có khoảng 2000 container hàng tồn, quá hạn lưu giữ. Nhiều hàng hóa không thể xuất đi nước thứ 3, chủ yếu là rác thải công nghiệp, phế liệu được doanh nghiệp làm thủ tục nhập về song bỏ hàng và một phần hàng hóa chưa thể thông quan do thiếu thủ tục. Trong khi xử lý các loại hàng tồn đọng, vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hệ lụy từ container tồn đọng
Mới đây, UBND TP Hải Phòng giao Sở TN&MT, Công an thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với Đoàn Kiểm tra của Bộ TN&MT kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại các cảng biển trên địa bàn thành phố.
Qua công tác kiểm tra, tại các cảng còn tồn hàng trăm container hàng hóa quá thời hạn lưu giữ. Trong đó có nhựa phế liệu, lốp cao su cũ. Hàng hóa tồn đọng khiến chi phí nhân công xếp dỡ và chi phí lưu kho bãi tăng cao, gây khó khăn cho các cảng. Trong khi mặt bằng cảng bị chiếm dụng, chi phí xếp dỡ lưu kho bãi lớn. Có thời điểm nhiều container đông lạnh nhập về cảng lưu giữ lâu...
Theo quy định, sau 90 ngày container không rút ra khỏi cảng được tính là hàng tồn đọng. Cảng Hải Phòng vừa tiến hành thương thảo và di chuyển 157 container cao su đọng tại cảng từ năm 2012 và hiện chỉ còn khoảng dưới 10% tổng lượng container tồn đọng. Có những chủ hàng làm thủ tục nhập container rác thải công nghiệp từ nước ngoài về, nhưng về đến cảng thì từ chối nhận hàng, để container ở các cảng. Các cảng đều không biết trong container có những loại hàng gì, chỉ căn cứ theo tờ khai. Trong khi đó, có những tờ khai hàng hóa là loại này, thực chất trong container lại là hàng khác. Nhiều vụ việc được Công an thành phố và Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện hàng nhập lậu, rác thải công nghiệp, ngà voi, lá khát (chất cấm).
Theo Cục Hải quan Hải Phòng hiện trên các cảng ở Thành phố có 737 contianer quá thời hạn làm thủ tục lưu trữ. Theo quy đình, nếu hàng hóa lưu trữ quá 90 ngày được xác định là hàng tồn đọng. Hải quan đăng thông báo tìm chủ sở hữu, tiến hành các biện pháp kiểm tra. Đồng thời, khẩn trương triển khai rà soát lại các thủ tục pháp lý về xử lý hàng tồn đọng.
Khó khăn trong xử lý hàng tồn
Nhiều lô hàng được đưa về cảng với mục đích tạm nhập tái xuất để đi nước thứ 3, song do các quy định, chính sách có sự thay đổi nên không xuất được, trong số đó nhiều lô theo quy định phải tiêu hủy, trong khi chi phí lưu container, lưu bãi, cắm điện phát sinh lớn nên người đứng tên trên vận đơn trốn tránh, từ chối trách nhiệm liên quan dẫn tới tồn đọng.
Hiện nay, việc xử lý các container hàng tồn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các lô hàng nằm tồn lâu do có giá trị thấp, không đủ điều kiện nhập; thời gian tồn đọng lâu, chi phí lưu container, lưu bãi phát sinh lớn. Nhiều lô hàng trong danh mục cấm, buộc phải tiêu hủy phát sinh trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính nên chủ hàng từ chối trách nhiệm liên quan trong khi vẫn còn nhiều hãng tàu, doanh nghiệp cảng vẫn muốn chờ đợi để được thu phí lưu bãi, lưu container.
Các văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng, hãng tàu chưa phối hợp thực hiện, tạo điều kiện cho việc xử lý. Nhiều doanh nghiệp cảng khi làm thủ tục rút hàng, tang vật đi xử lý nêu ý kiến hải quan phải trả chi phí lưu bãi, bảo quản, cắm điện từ ngày về cảng hoặc chờ thống nhất với hãng tàu. Hãng tàu khi đến đề nghị xử lý hàng hóa nêu ý kiến phải chờ ý kiến của người giao hàng nước ngoài, người đứng tên trên vận đơn tại Việt Nam mới giao hàng, giao tang vật nếu cơ quan chức năng muốn lấy hàng, tang vật đi xử lý. Hàng hóa sau khi kiểm tra, phân loại thuộc đối tượng phải tiêu hủy theo quy định nhưng chưa có doanh nghiệp kinh doanh cảng ứng trước kinh phí theo quy định tại khoản 3, Thông tư 203/2014/TT-BTC...
Để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển Hải Phòng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan liên quan như: Hải quan, kiểm soát Biên phòng, Cảnh sát môi trường… Đồng thời, cơ quan chức năng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhập khẩu phế liệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa, phát hiện vi phạm.