Hải Dương: Chú trọng bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững

Phạm Duy| 23/08/2022 16:40

Là địa phương có mật độ sông tương đối dày, nhiều hồ, ao tự nhiên và nhân tạo, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ nguồn nước

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã quan tâm, bố trí ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng về tài nguyên nước.

Theo đó, Dự án Quy hoạch Tài nguyên nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2007 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010; Dự án Điều tra, khảo sát thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước được phê duyệt năm 2016; Nhiệm vụ Điều tra, lập danh bạ giếng khoan phải xử lý phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước được phê duyệt năm 2021 và Nhiệm vụ Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ đang thực hiện, sẽ hoàn thành trong năm 2022. Bên cạnh đó, đã tập trung rà soát, tổng hợp, lập danh mục hồ, ao, đầm… không được san lấp thuộc địa bàn quản lý để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.

Về hoạt động điều tra cơ bản nước dưới đất, Sở TN&MT đã tiến hành điều tra, tìm kiếm trên phạm vi diện tích khoảng 842 km2, bao gồm các khu vực: tuyến Phả Lại – Sao Đỏ, khu vực Nam Sách – Thành phố, khu vực phía Tây huyện Cẩm Giàng thuộc địa phận các xã Ngọc Liên và Cẩm Hưng; các khu vực Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện và Ninh Giang; kết quả tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất đã phát hiện 6 phân vị địa tầng nước. Về cơ bản đã xác định được diện phân bố, thế nằm, khả năng tàng trữ, lưu thông nước, trữ lượng và chất lượng nước của các tầng chứa nước.

Tỉnh cũng đã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ trái đất. Các hoạt động đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử trong bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên nước.

anh-1(1).jpg
Ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND tỉnh Hải Dương giám sát hoạt động xả thải của các đơn vị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp - Ảnh: TTXVN
anh-2(1).jpg
Dòng Bắc Hưng Hải đen ngòm đoạn qua KCN Phúc Điền, Cẩm Phúc, Huyện Cẩm Giàng, Tỉnh Hải Dương

Chấn chỉnh vi phạm về tài nguyên nước

Ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết: Sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành, Hải Dương đã đẩy mạnh cấp giấy phép khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Sở TN&MT đã thực hiện nghiêm các quy định trong thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp giấy phép, đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính. Thời gian tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đã hoàn thành trước quy định từ 15- 30% so với thời gian trả kết quả theo quy định.

Hàng năm, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch thanh - kiểm tra định kỳ với các tổ chức có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Từ năm 2021 tới nay, đã triển khai 3 cuộc thanh - kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước với 10 đơn vị. Qua đó tham mưu xử phạt 2 đơn vị, số tiền phạt hơn 400 triệu đồng. Qua công tác thanh, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hiện tượng còn một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, chưa thực hiện đầy đủ, nghĩa vụ và những quy định trong giấy phép như: chưa nộp thuế tài nguyên, chưa giám sát lưu lượng, chất lượng trong quá trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước....

Một trong những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên nước mà Hải Dương đang đối mặt, đó là: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ chưa kiểm soát hết. Công tác điều tra, đánh giá chất lượng nước mặt, nước dưới đất chủ yếu mới tập trung ở các vùng trọng điểm, nhiều khu vực chưa thực hiện được do nguồn lực của địa phương còn khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa thực hiện thường xuyên và lực lượng ở cơ sở còn hạn chế…

Để bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên nước bền vững, bảo đảm cho mục tiêu phát triển KT-XH, thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên thông tin về tình hình nguồn nước, chống lãng phí nguồn nước… Tiếp tục triển khai theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH, nước biển dâng, trước mắt ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước; nhất là giám sát hoạt động xả thải của các đơn vị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp; quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác sử dụng nước dưới đất.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hải Dương đã cấp, gia hạn, điều chỉnh 531 giấy phép về tài nguyên nước. Gồm: 11 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 160 giấy phép khai thác nước dưới đất; 130 giấy phép khai thác nước mặt; 228 giấy phép xả nước thải và 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. UBND tỉnh đã ban hành 68 Quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tổng số tiền thu được trên 8 tỷ đồng. Bộ TN&MT đã ban hành 3 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 172 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Chú trọng bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO