Xã hội

Chân lấm tay bùn vươn ra "biển lớn"

Kiên Cường 10/04/2024 - 15:55

Trên cánh đồng hàng trăm ha cà rốt xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đang vào mùa thu hoạch, chúng tôi bắt gặp nụ cười “tỏa nắng” của những nông dân “chân lấm tay bùn” bởi cà rốt được mùa, được giá. Niềm vui của người nông dân nhân lên bội phần khi củ cà rốt được ưa chuộng có mặt trên thị trường nhiều nước Châu Âu, Châu Á…

Hành trình củ cà rốt

Để có được gần 1.500ha cà rốt xuất khẩu có mặt trên khắp thị trường Châu Á và hàng chục nước Trung Đông, Châu Âu, củ cà rốt xã Đức Chính đã trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm tưởng như bị “xóa sổ” do việc sản xuất và tư duy nông dân hám lợi trước mắt. Cái giá mà những nông dân xuất khẩu cà rốt xã Đức Chính phải trả đã cho họ bài học về phát triển loại cây bền vững xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, phải gìn giữ “chữ tín” thương hiệu để vươn ra biển lớn ngày một bền vững, phát triển.

img_2920.jpg
Cánh đồng cà rốt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương)

Ông Cao Văn Thúy người gắn bó đầu tiên với cây cà rốt ở thôn Hảo Hội Xuân, xã Đức Chính, chia sẻ: Trước năm 1983, người dân xã Đức Chính chủ yếu gắn bó với cây: hành, tỏi, ớt… xuất khẩu sang Nga. Đến năm 1983, giống cà rốt được chuyên gia người Nga đưa vào trồng để xuất khẩu, vụ cà rốt đầu tiên được người dân thu hoạch rất phấn khích vì loại củ cho năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng và giá cao hơn nhiều lần loại cây trồng khác. Cà rốt được đóng thùng đưa lên tàu đi theo đường biển sang thị trường Nga. Thế nhưng, do đường đi xa và bị ngấm nước biển nên tất cả sản phẩm bị thối và người trồng cà rốt trắng tay. Người dân chẳng còn thiết tha loại cây trồng này vì không có giống và đầu ra.

Đến năm 1985, chuyên gia Nhật Bản sang thăm cánh đồng trồng màu của xã, họ đánh giá xã Đức Chính là địa bàn có diện tích đất phù sa phù hợp nhất để trồng cà rốt xuất khẩu. Các công ty Nhật Bản đã ký hợp đồng cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm với các hộ trồng cà rốt. Người dân hào hứng chuyển đổi cây trồng để xuất khẩu, nhưng chỉ được 1 vụ đến vụ sau các hộ trồng cà rốt đã phá hợp đồng với phía công ty Nhật Bản, để bán cho đối tác khác với giá cao hơn. Cũng vì vậy, phía đối tác Nhật Bản chấm dứt cung cấp giống cà rốt cho các hộ trồng.

ca-rot-5hh.jpg
Người dân xã Đức Chính thu hoạch cà rốt

Người dân nghĩ đơn giản tự ươm giống để trồng, nhưng giống ươm trồng cà rốt không phát triển củ và đã mất trắng cả vụ cà rốt. Để có giống cà rốt cho người dân trồng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính đã phải lặn lội sang Nhật Bản thương thảo mua giống về cho bà con nông dân, cho đến nay gần 1.500 ha cây cà rốt người dân xã Đức Chính trồng hàng năm được nhập về từ Nhật Bản.

“Vươn ra biển lớn”

Hiện nay, xã Đức Chính hàng năm xuất khẩu khoảng 60 nghìn tấn cà rốt, doanh thu đạt 600 tỷ đồng (lãi trên 300 tỷ) của trên 1.000 hộ dân trồng. Để đạt con số ấn tượng như xã thuần nông Đức Chính là sự cố gắng, nỗ lực của người dân cùng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là cây chủ lực để giúp người dân nhanh chóng vươn lên làm giàu.

img_2939.jpg
Các xưởng cà rốt ở Đức Chính đang được sơ chế, đóng gói xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, chia sẻ: Do người dân không giữ chữ “tín” năm 1986, phía Nhật Bản đã cắt hợp đồng, không cung cấp giống cà rốt. Đại diện Hợp tác xã đã phải sang Nhật để thương thuyết, ký cam kết cho hợp đồng trồng cà rốt xuất khẩu và phải mất nhiều công sức qua lại, phía Nhật Bản mới tiếp tục đồng ý cung cấp giống và hợp tác thu mua sản phẩm.

Từ khoảng 100 ha cà rốt ban đầu vào những năm 1988 – 1990, cung cấp chủ yếu thị trường Nhật Bản, nhờ vào gìn giữ thương hiệu, chất lượng và quảng bá sản phẩm… đến nay, người dân xã Đức Chính đã nhân rộng diện tích trồng lên khoảng gần 1.500ha. Trong đó, diện tích trồng tại xã Đức Chính là 360ha, còn lại 400 hộ dân đến các địa phương khác trong tỉnh, các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Thái Bình và Bắc Ninh thuê đất để trồng, sản lượng hiện đạt trên 60 nghìn tấn/vụ, trong đó 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo thời vụ gieo trồng, từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. 70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia… 30% còn lại tiêu thụ trong nước.

Cà rốt Đức Chính xuất khẩu đi các nước được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Ông Trần Văn Tưởng – Chủ tịch UBND xã Đức Chính, cho biết: Hiện nay, cà rốt đang vào mùa vụ thu hoạch. Chỉ riêng vùng đất này mới cho loại củ ngon và khác biệt. Có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất đã tạo nên thương hiệu cà rốt nổi tiếng một vùng. Cà rốt Hải Dương được bồi đắp và nuôi dưỡng từ phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng và hương vị riêng; với độ giòn và vị ngọt đặc trưng. Bên cạnh đó, cây cà rốt còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân nên đời sống của bà con được cải thiện rất nhiều.

Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày. Đến nay, cà rốt Cẩm Giàng dần phát triển và đã khẳng định thương hiệu. Sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam từ năm 2017. Cùng với đó, sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019, cấp lại năm 2022.

img_2932.jpg
Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu

Để cà rốt Đức Chính đạt chất lượng cao hơn nữa, vươn xa nhiều thị trường hiện nay, người dân đang dần chuyển đối và áp dụng mô hình trồng 100% sử dụng phân hữu cơ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sơ chế, bảo quản. Trong tương lai không xa, sản phẩm củ cà rốt của người nông dân “chân lấm tay bùn” xã Đức Chính vang danh hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân lấm tay bùn vươn ra "biển lớn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO