Những công trình đê điều xung yếu
Theo quy định của Luật phòng, chống thiên tai, hiện nay nước ta có thể xuất hiện 21 loại hình thiên tai. Hải Dương có thể xảy ra 19/21 loại hình thiên tai (trừ 2 loại hình: sương mù trên biển và sóng thần). Trên địa bàn Hải Dương đã từng xảy ra các loại hình thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất… Các loại hình thiên tai hầu hết chúng ảnh hưởng tới hệ thống công trình đê điều.
Hệ thống công trình đê điều của tỉnh Hải Dương khá lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài 374 km, trong đó đê từ cấp III trở lên 256 km, 118 km đê cấp II và cấp I ; 81 tuyến kè, 10 vị trí bờ lở và 279 cống dưới đê. Hải Dương đã có những trận lụt lớn như trận lụt năm 1971 do vỡ đê sông Thái Bình và phải xả lũ đầu nguồn, thiệt hại rất lớn tới người và tài sản trên địa bàn 10/12 huyện, thị xã khi đó.
Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Quản lý đê điều, PCLB, TKCN tỉnh Hải Dương, trên hệ thống đê điều đang có 18 điểm đê xung yếu thuộc địa bàn 6 huyện, thành phố, chủ yếu trên các tuyến sông trung ươngnhư sông Thái Bình, Kinh Thầy, Kinh Môn, sông Luộc, sông Rạng, sông Gùa. Nhiều điểm khá nghiêm trọng cần tập trung đầu tư xử lý.
Trên đê tả sông Kinh Thầy, do khai thác cát lòng sông xuống sâu, cộng với dòng chảy mạnh đổi chiều đã gây sạt lở rất nghiêm trọng bãi sông tại Km 16+040 đến Km 16+125 đê tả sông Kinh Thầy, thuộc phường Đồng Lạc, TP Chí Linh. Đây là điểm sạt lở mới xảy ra đầu năm 2019, cung sạt dài gần 90 m, lấn sâu vào bãi sông 20 m, đã lở bay kè bảo đảm giao thông, xuất hiện vết nứt cách chân đê 12 m, uy hiếp an toàn đoạn đê này.
Các điểmbờ lở xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà tại K9+320-K9+510 thuộc sông Rạng; Khu vực mạch đùn sủi đê xã Thanh Hồng huyện Thanh Hà ở K53+000 - K57+000 thuộc đê tả sông Thái Bình;Khu vực bờ lở kè Hùng Thắng, xã Minh Tân, đoạn K19+360 –K19+570 tả sông Thái Bình;Khu vực bờ lở thượng lưu kè xã Thanh Quang, huyện Nam Sách đoạn K9+500 - K9+870 hữu sông Kinh Thầy…
Tại các điểm đê, kè, cống xung yếu và trên toàn tuyến đê, các huyện, thành phố tổ chức thành lập và tập huấn cho các lực lượng chuyên trách phòng chống lụt bão. Mỗi điếm canh đê tổ chức 01 đội tuần tra canh gác đê gồm từ 12 đến 18 người, đảm bảo đủ điều kiện để làm nhiệm vụ canh gác đê trong suốt mùa mưa bão; Tổ chức (1 đến 3) đội cắm cừ đào mò biên chế từ (15 đến 25) người/đội; (1đến 3) đội giao thông hoả tốc, biên chế từ (5 đến 10) người/đội.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện giao cho các xã, phường, thị trấn nhất là các xã, phường, thị trấn ven đê có phương án chuẩn bị, huy động vật tư sẵn có trong dân và trong các đơn vị, công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn: Mỗi điếm canh đê chủ động chuẩn bị trong nhân dân được 50 cây tre tươi; mỗi km đê chuẩn bị (10÷20) m3 cát vàng, 5m3 đá dăm, 1.000 kg rơm rạ, 500 cây tre, (3÷ 5) tấn rào hoặc 1500 m2 bạt chống sóng, có phương án cụ thể chuẩn bị sẵn mặt bằng lấy đất xử lý sự cố đảm bảo (500÷1000) m3. Nắm chắc các phương tiện sẵn có trong dân và trong các đơn vị đóng trên địa bàn nhất là các phương tiện cơ giới nhỏ như xe ô tô, xuồng hoặc thuyền máy... Căn cứ vào kế hoạch sử dụng vật tư, phương tiện của các phương án trọng điểm và toàn tuyến có kế hoạch giao cho từng đơn vị, từng hộ dân chuẩn bị. Phân công người phụ trách cụ thể, có kiểm tra nắm chắc số lượng, chất lượng, địa chỉ để khi cần huy động được ngay.
Xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu
Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều, Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có rất nhiều địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư kinh phí tham gia tu bổ hệ thống đê, kè, cống, đường gom chân đê, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong các năm 2016 - 2019, đã có 115 km đê được tổ chức thu dọn, phát quang xanh sạch đẹp bởi nguồn kinh phí xã hội hóa, được các tổ chức ra quân thực hiện ở các địa phương. Điển hình như huyện Kim Thành phát quang 53,8 km đê; huyện Thanh Hà phát quang 24,3 km đê hữu sông Rạng và hữu sông Gùa; huyện Ninh Giang phát quang toàn tuyến tả sông Luộc dài 18,7 km; nhiều tổ chức, cá nhân, địa phương trên các tuyến đê hữu sông Thái Bình, đê tả sông Thái Bình thuộc TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Nam Sách…
Mặc dù nước lũ những năm gần đây không lên cao, nhưng hàng tre chắn sóng ven các tuyến đê ở Hải Dương vẫn được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc phát triển tốt, tránh sự cố bất thường xảy ra. Hiện nay đang có 239/375 km đê có tre chắn sóng. Các địa phương đã bố trí kinh phí đắp bờ cho hàng tre. Hàng năm trong dịp trồng cây đầu xuân, nhiều huyện tổ chức trồng dặm hàng trăm mống tre chắn sóng. Nhiều nơi hàng tre dày ngăn cản súc vật đi lại làm hỏng thân đê.
Từ năm 2016 tới nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, địa phương đã đầu tư từ vài chục triệu đồng tới hàng tỷ đồng làm đường hành lang chân đê và đổ bê-tông mặt đê. TP Chí Linh đầu tư kinh phí đổ bê-tông mặt đê tả Kinh Thầy rộng 8 m, dài 1.074 m. Cũng tại Chí Linh, Công ty cổ phần Việt Phát xây dựng điếm, kè đê và làm đường trên chiều dài 450 m; Công ty thương mại và dịch vụ Mạnh Ngân đổ bê- tông 220 m mặt đê; bà Nguyễn Thị Mai và bà Nguyễn Thị Nguyệt đổ bê-tông gần 600 m mặt đê; ở huyện Tứ Kỳ, ông Đỗ Hữu Vang đã trải nhựa cơ đê tả sông Luộc trên chiều dài 688 m. Tại huyện Nam Sách, bà Nguyễn Thị Mến đổ bê-tông 1.040 m mặt đê. Công ty vật liệu xây dựng Bình Dân cải tạo gần 1.100 m mặt đê…
Trong công tác xã hội hóa đê điều ở Hải Dương, nổi bật là xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Vừa qua xã đã đầu tư kinh phí hơn một tỷ đồng để xây dựng đường cơ đê dài 1.032 m ven sông Thái Bình.Con đường hoàn thành đã đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất và là một tiêu chí để xã Đức Chính xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Một địa phương khác cũng điển hình trong công tác xã hội hóa bảo vệ, tôn tạo hệ thống đê điều, đó là xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà. Ông Phạm Hữu Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà) chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường: Xã đang tập trung xây dựng gần 6 km đê sông Thái Bình thành tuyến đê kiểu mẫu. Bằng nhiều nguồn vốn 1.300 m mặt đê đã được thảm bê-tông. Vừa qua, 23 hộ dân thôn Phượng Đầu ở ven đê đã hiến hàng trăm m2 đất thổ cư, đất vườn, tự bỏ công sức dỡ bỏ tường bao, công trình phụ để làm đường hành lang ven đê. Nhà nước có chủ trương làm đường hành lang ven đê, bà con thôn Phượng Đầu rất đồng tình và phấn khởi. Không cần phải vận động, bà con bảo nhau hiến đất, phá bỏ tường bao, cổng vào, công trình phụ mở rộng con đường ven đê rộng hơn, đẹp hơn, thuận lợi cho phát triển kinh tế và sinh hoạt. Có nhiều gia đình đã hiến hàng chục đến hơn trăm m2 đất, tự tháo dỡ cổng cùng hàng chục mét tường bao, công trình phụ để làm đường bê tong ven chân đê. Đến nay, con đường ven chân đê dài hơn 400 m đã hoàn thành, việc đi lại, sản xuất của bà con đã dễ dàng hơn rất nhiều, hàng chục dốc đê bà con tự tạo xâm hại thân đê đã được khắc phục.
Anh Nguyễn Tiến Cường, Hạt phó Hạt Quản lý đê Thanh Hà cho biết: Huyện Thanh Hà có gần 72 km đê, bao gồm ba tuyến đê chính là tả sông Thái Bình, hữu sông Rạng và tả sông Gùa. Hiện nay, toàn huyện đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý đê điều, phấn đấu hết năm 2020 xây dựng xong ba tuyến đê trở thành các tuyến đê kiểu mẫu.
Hải Dương đang từng bước xây dựng các tuyến đê trở thành các tuyến đê kiểu mẫu. Với mặt đê được mở rộng, đổ bê-tông hoặc trải nhựa, tôn tạo thân đê, cứng hóa mái đê, làm đường chân đê để thêm vững chắc hệ thống đê điều. Lo xa trong việc chống trả thiên tai, những biến đổi bất thường của thiên nhiên, thời tiết là việc làm thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh Hải Dương.