Ông L.V.C, người dân sống gần núi Đồng Chợ cho biết: UBND xã Hà Tân lấy cớ là do quá trình đo đất cho 14 hộ dân tại thôn Tam Quy 1 còn thiếu, nên thuê doanh nghiệp phá núi Đồng Chợ để lấy mặt bằng để bù vào chỗ đất còn thiếu cho người dân. Suốt nhiều năm qua, núi Đồng Chợ được người dân địa phương giữ gìn và bảo vệ vì đây là di tích kháng chiến, việc chính quyền địa phương thuê doanh nghiệp vào phá núi là bất chấp các quy định của pháp luật, không hợp lòng dòng dân.
“Từ hôm 23/6/2019 đến nay, chúng tôi rất búc xúc về việc bỗng dưng xuất hiện một doanh nghiệp vào khu vực núi Đồng Chợ dùng thuốc nở (thuốc nở được các doanh nghiệp sử dụng để tách đá trong khai thác mỏ) để phá núi. Việc UBND xã thuê doanh nghiệp phá núi không những gây búc xúc cho người dân, mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mỗi khi đá đổ xuống gây chấn động cả một vùng, hoạt động khoan cắt đá gây ồn ào, ô nhiễm”. Nhiều người dân thôn Tam Quy 1, bức xúc cho hay.
Sáng ngày 26/6/2019, Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có mặt tại hiện trường, qua ghi nhận: Khoảng cách từ núi Đồng Chợ đến trụ sở UBND xã Hà Tân chỉ 200m, thời điểm hiện tại tuy không có hoạt động khai thác đá, nhưng trên vách núi xuất hiện nhiều vết cắt, lỗ khoan mới, bột đá trắng xóa vương vãi khắp nơi; các tảng đá được đánh hạ nằm ngổn ngang dưới chân núi và sát nhà ở của người dân; tại đây có một máy xúc, một máy nổ để cung cấp điện cho hoạt động khoan cắt.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, trong thời kỳ kháng chiến, núi Đồng Chợ là nơi hoạt động Cách mạng, đồng thời cũng là địa điểm để các chiến sĩ cộng sản trao đổi thông tin kháng chiến với nhau. Vì vậy, trong nhiều năm qua, người dân địa phương mong muốn giữ lại núi Đồng Chợ nhằm tưởng nhớ công lao của những nhà hoạt động cách mạng.
Ông Vũ Xuân Điển – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân, cho biết: Đúng là có việc UBND xã nhờ doanh nghiệp đến xử lý các tảng đá ở núi Đồng Chợ để lấy mặt bằng bù lại phần đất ở còn thiếu của dân, sau khi người dân phản ánh, ngay lập tức chúng tôi đã yêu cầu dừng lại.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đặng Văn Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung cho biết: Việc UBND xã cho san gạt đá ở núi Đồng Chợ là có thật. Đây là khu vực được quy hoạch mặt bằng bán đấu giá đất cho dân. Nhưng hiện tại có 2-3 hộ vướng vào khoảng 2 mét chân núi vì vậy xã muốn san gạt, múc đá để giao mặt bằng cho dân. Khi được hỏi đây có phải là di tích Cách mạng hay không?. Thì được trả lời: "Vấn đề đó tôi không nắm được".
Người dân địa phương đang băn khoăn rằng có hay không việc UBND xã Hà Tân “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp khai thác đá trái phép tại núi Đồng Chợ?...