Hà Tĩnh: Nông dân thu tiền tỷ mỗi năm từ cây cam

24/02/2015 00:00

(TN&MT) - Ông Bùi Đình Lưu ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 2 ha đất cằn trồng cam, nay đã cho thu nhập bạc tỷ mỗi năm.

(TN&MT) - Bằng đôi tay cần mẫn và nghị lực của mình, ông Bùi Đình Lưu ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 2 hec ta khu đồi hoang, đất cằn trồng cam, nay đã cho thu nhập bạc tỷ mỗi năm.
   
  Theo chỉ đường của một cán bộ địa phương, chúng tôi ghé thăm khu vườn cam của ông Bùi Đăng Lưu, một trong những hộ gia đình điển hình thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trông ở xã Đức Hương, thuộc huyện miền núi Vũ Quang vào ngày đầu xuân. It ai có thể hình dung nổi trước đây địa điểm này chỉ là đồi hoang, thưa thớt bóng người nay đã vun đắp cho những gốc cam trĩu quả mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
   
  Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam bù hơn 9 năm tuổi vào thời điểm thu hoạch, ông Lưu hồ hởi giới thiệu: “Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện, tôi cải tạo khu đất đồi hoang khoảng 2 héc ta để trồng cam bù; đồng thời mở rộng quy mô trồng thêm cây cam chanh”. Ông chia sẻ: “Sau khi tham quan tìm hiểu một số mô hình trang trại, tôi thấy cây cam bù là loại cây dễ trồng, ít bệnh và lại mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
   
  Len lỏi dưới những tán lá cam để tham quan, ông Lưu kể, gần mười năm trước ông quyết định rời phố thị khi đang có trong tay một cửa hàng kinh doanh vàng bạc để đến với miền sơn cước làm trang trại. Nhiều người nói ông “bị khùng”, bởi khu đất này lúc đó heo hút lắm, không có điện, người ở thưa thớt nhưng do thấy địa hình và tính chất đất ở đây rất phù hợp cho việc trồng cam nên đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi phương pháp về trồng.
   
   
Vườn cam của ông Bùi Đình Lưu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
   
  Mới đầu vì chưa có kinh nghiệm nên ông Lưu chỉ trồng thử 100 gốc cam bù. Sau 4 năm, thấy cam lớn tốt ngay trên vùng đất này, trái ngọt, từ đó ông Lưu quyết định làm giàu bằng nghề trồng cam. Cũng theo ông Lưu, phải quy hoạch tốt vườn trồng, hệ thống tưới tiêu; đảm bảo các khâu đào hố, bón phân, chọn giống; đặc biệt là chú trọng công tác chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản. “Khi thực hiện tốt những vấn đề cơ bản này vườn cam sẽ cho thu nhập cao. Đến nay, trên 1.000 gốc cam bù có quả cho thu hoạch”, ông Lưu phấn khởi.
   
  Với trên 1.000 gốc cam bù như hiện nay, mỗi năm ông Lưu thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Sắp tới, ông đầu tư mở rộng và trồng thêm các loại cam khác. Nói về đầu ra cho trái cam, ông Lưu tự tin: “Chỉ sợ không có đủ cam mà bán thôi, sáng nay thương lái gọi điện hỏi mua với giá 55.000/kg, do rẻ nên tôi chưa bán”. Theo ông Lưu, người nông dân trồng cam bây giờ không phải lo như ngày trước nữa, chưa đến mùa là thương lái ở trong tỉnh và các tỉnh khác tìm đến tận vườn thu mua.
   
  Tuy thuận lợi là vậy, nhưng ông Bùi Đình Lưu cũng có những trăn trở về việc dùng các loại phân bón phù hợp cho cam. “Trồng cam cần đất tốt, nước đủ rồi còn cần phải chọn loại phân bón phù hợp và đảm bảo chất lượng nữa. Vì ở thị trường nước ta hiện nay có rất nhiều loại phân bón, có nhiều loại không đảm bảo, không rõ nguồn gốc thì rất nhiều không biết đâu mà chọn”.
   
   
Ông Bùi Đình Lưu bên vườn cam bạc tỷ        
   
  Vườn cam của ông Lưu trong mấy năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã có rất đông bà con đến học hỏi, tìm hiểu và mua giống về trồng. Cứ ai muốn hỏi về kinh nghiệm trồng thì ông lại dẫn ra tận vườn cam để hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu nhất. Từ chọn vùng đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc phun an toàn cho đến cách phun hiệu quả nhất. Chỉ tính riêng năm 2014, ngoài thu nhập từ quả, ông Lưu cho biết đã bán ra thị trường khoảng 10.000 cây giống thu cả trăm triệu đồng.
   
  Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, từ mô hình hiệu quả này, nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận quyết định phá bỏ vườn tạp hoặc cải tạo lại vườn để trồng cam, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thoát nghèo. Qua thống kê, chỉ riêng xã Đức Hương hiện có hơn 130 héc ta cam, trong đó hơn một nửa diện tích đã có thu hoạch. Bên cạnh đó, việc trồng cam càng được người dân tham gia khi trồng dưới 250 gốc cam sẽ được huyện và tỉnh hỗ trợ 15.000 đồng/gốc; từ 251 đến 500 gốc sẽ được hỗ trợ 20.000 nghìn đồng/gốc; trên 500 gốc cam trở lên sẽ được hỗ trợ 25.000 nghìn đồng/gốc theo chương trình hỗ trợ phát triển, xây dựng nông thôn mới.
   
  Trao đổi với phóng viên tainguyenmoitruong.com.vn, ông Lê Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Đức Hương khẳng định: “Với mô hình trồng cam của hộ ông Lưu và một vài hộ dân trong xã bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu ngay trên quê hương, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động. Thời gian tới chúng tôi sẽ khuyến khích, tuyên truyền đến người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, mở rộng nhiều mô hình trồng cam tương tự”.
   
Bài và ảnh:Đức Cảnh - Hồng Thiệu
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Nông dân thu tiền tỷ mỗi năm từ cây cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO