Hà Tĩnh: Mô hình “lấy ngắn nuôi dài” góp phần xóa đói giảm nghèo
Xuất phát điểm không mấy thuận lợi, nhiều hộ dân ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy vốn mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Lựa chọn đúng
Sinh ra, lớn lên trong cảnh nghèo khó, anh Nguyễn Xuân Sinh, ở thôn Thanh Bình vẫn luôn nuôi trong mình khát vọng vươn lên. Năm 2008, sau khi lập gia đình, do không có vốn nên anh Sinh quyết định vợ chồng sẽ làm dần từng khâu theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Nhận thấy nuôi bò sinh sản dễ chăm sóc, chi phí chăn nuôi ít, tận dụng được nhiều nguồn thức ăn, không tốn công nhiều mà mang lại hiệu quả kinh tế. Băt đầu từ việc đầu tư bò giống, khi bò sinh bê cái được anh giữ lại làm giống để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò, anh đã cải tạo nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để trồng cỏ, đây là nguồn thức ăn chính cung cấp cho bò khi tăng đàn. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn, đến mùa lúa anh tận dụng rơm rạ dự trữ để bò ăn dần. Từ cách làm đó, mô hình chăn nuôi bò của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Sinh dần được mở rộng, lúc cao điểm nuôi đến gần mười con bò nái với tổng giá trị trên 150 triệu đồng.
Cùng với chăn nuôi, gia đình anh Nguyễn Xuân Sinh kết hợp trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế như chanh, cam, tràm,...phù hợp với đất đồi núi để tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi. Vốn ban đầu, cộng với lãi trong chăn nuôi, vợ chồng anh không ngừng đầu tư mở rộng diện tích.
Anh Nguyễn Xuân Sinh, chia sẽ: “ Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình hơn 2 héc ta, trên 1000 góc cam, chanh mang lại thu nhập ổn định. Đặc biệt, nhờ chọn được giống tốt, cho nhiều quả, những năm gần đây bán được giá nên cây cam, cây chanh đang trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Được biết, với cách làm trên anh Sinh thừa nhận đây là hướng đi đúng đắn, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 150- 200 triệu đồng/năm. Vững vàng về kinh tế, các con nhờ vậy mà được cho đi học đàng hoàng, căn nhà cũ trước đây cũng đã được xây dựng mới khang trang hơn, các phương tiện sinh hoạt cần thiết trong gia đình được mua sắm đầy đủ.
Biến khó khăn thành lợi thế
Những ngày hè bỏng rát, về với Đức Lĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất từng biết đến là khó khăn nhất của huyện miền núi Vũ Quang. Những con đường gồ ghề, bùn đất ngày nào đã được bê tông, nhựa hóa. Những khoảng đất trống đồi trọc được thay bằng bạt ngàn cây xanh tươi, trù phú.
Để có được kết quả này, ngoài vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thì phải kể đến tinh thần cần cù vượt khó, nỗ lực vươn lên của các tầng lớp Nhân dân. Trước đây, đồi núi là một trong những trở ngại khi chiếm phần lớn diện tích toàn xã Đức Lĩnh, người dân đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng nay đang trở thành lợi thế khi chứng kiến sự phát triển các vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.
Thăm hộ anh Nguyễn Xuân Kiều, thôn Tân Hưng, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang với mô hình trồng và chăn nuôi tổng hợp mới thấy được sức sống mạnh liệt của người dân đi lên từ hai bàn tay trắng. Được biết, mỗi năm, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi đã đưa về thu nhập cho gia đình anh từ 300 - 350 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, cũng như bao người dân nơi đây, điểm xuất phát của anh Kiều không có nhiều thuận lợi, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư. Để được cơ ngơi như ngày hôm nay là chuổi ngày dài anh phải vượt qua bao khó khăn, chịu khó học hỏi và tích lũy lấy ngắn nuôi dài.
Với lợi thế đất vườn đồi rộng lớn, chủ động nắm bắt được thị trường để lựa chọn và đưa vào canh tác các loại cây trồng một cách có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương. Nhận thấy cây Cam rất phù hợp cho việc phát triển, gia đình anh Kiều đã đầu tư trồng hơn 1,5 ha cam, chanh với hơn 500 gốc.
Anh Nguyễn Xuân Kiều chia sẽ: “ Cây cam sau bốn năm mới cho thu nhập nên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư. Sau một thời gian làm ăn tích lũy từ công lãi chăn nuôi, vay mượn anh em, cùng với chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới anh đổ dồn hết công sức vào cây cam”.
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm được từ cách trồng cam truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, tuổi thọ ngắn, anh Kiều kỹ càng hơn trong khâu chọn cây giống. Giống cam ghép được lấy từ Viện Đại học Nông nghiệp Hà Nội vẫn là nơi có nguồn góc đáng tin cậy nhất.
Chưa dừng lại ở đó, với ý tưởng phát triển cây cam đạt tiêu chuẩn VietGap trên diện tích đất sẵn có, ngoài khâu chon giống, trong quá trình chăm sóc anh Kiều tích cực sử dụng phân chuồng tận dụng được trong chăn nuôi. Nhờ đó, các diện tích cây ăn quả của gia đình đã hạn chế được việc sử dụng phân hóa học, giúp tăng tuổi thọ của cây và đảm bảo chất lượng quả đạt tiêu chuẩn mẫu mã đẹp, ngọt nên đến mùa thu hoạch thương lái luôn tìm mua với giá cao.
Ông Nguyễn Đình Trí- Trưởng thôn Tân Hưng, xã Đức Lĩnh, Vũ Quang, cho biết: “Học cách làm của anh Kiều nên hiện toàn thôn Tân Hưng đã xây dựng được hơn 60 vườn mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn xã. Thời gian tới chắc chắn mô hình sẽ còn được nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh, Vũ Quang (Hà Tĩnh), cho biết: “ Những gia đình điển hình như anh Kiều đang trở thành nhịp cầu nối thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Không những vậy, truyền cảm hứng trong phong trào xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong thời kỳ mới”.