Hà Tĩnh được đánh giá là khu vực có các hồ, đập với nguồn nước sạch đảm bảo và lượng nước phân bố tương đối đều. Tuy nhiên, hệ thống phân phối nguồn nước chưa đảm bảo khiến nhiều địa phương vẫn đang chịu cảnh cạn kiệt nước sạch. Chính vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp, sửa chửa các công trình nước sạch để tránh thất thoát nước và đảm bảo điều phối nước một cách hiệu quả nhất có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, trong năm 2019, để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Trung tâm thực hiện sáu dự án cấp nước, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hà Tĩnh là khu vực có các hồ đập với lượng nước đảm bảo |
Cụ thể các dự án, gồm: Mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Bắc Thạch Hà cấp cho xã Thạch Thanh; Mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Bắc Thạch Hà cấp cho xã Thạch Tiến; Sửa chữa công trình cấp nước xã Gia Phố (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước xã Đức Nhân và nâng cấp mở rộng công trình cấp nước Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc và mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Thạch Bằng cấp cho xã Thịnh Lộc.
Nhờ vậy, năm 2019, Hà Tĩnh có thêm 23.120 người được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 2,0% so với năm 2018, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 99,0%, đạt 100% kế hoạch cả năm là 31.300 người sử dụng nước đạt Quy chuẩn QCVN02:2009/BYT của Bộ Y tế, tăng 3,0% so với năm 2018, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước đạt Quy chuẩn quốc gia lên 50,2% (đạt 100% so kế hoạch đề ra).
Ông Nguyễn Hồng Quang- Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh |
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành khai thác bảy công trình cấp nước tập trung, cấp nước thường xuyên, góp phần đảm bảo chất lượng cho gần 18.000 khách hàng sử dụng. Năm 2019 sản lượng nước tiêu thụ đạt 2.224.269 m3; đạt 96,4% so với kế hoạch đề ra (2.224.269/2.307.000m3). Doanh thu đạt gần 11,5 tỷ đồng ; đạt 94,76% so với kế hoạch đề ra. Doanh thu năm 2019 tăng 119,0% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh chia sẻ: “Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đó là: Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Chương trình chưa đáp ứng so với yêu cầu đặt ra; Vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã còn hạn chế; Việc huy động nguồn vốn đối ứng của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn; Thiên tai bão lũ, hạn hán làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý, khai thác tại các công trình cấp nước nông thôn tập trung; Giá nước quy định tại vùng nông thôn thấp nhưng chưa được điều chỉnh…”.
Trước mắt, để có nguồn nước sạch đảm bảo cung cấp mùa khô hạn, giải pháp mà theo ông Nguyễn Hồng Quang là cần phải cân đối lại nguồn nước thủy lợi và nguồn nước sinh hoạt một cách hợp lý. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể tận dụng nguồn nước từ sông ngòi, tránh ảnh hưởng đến nguồn nước tích trữ. Đó là phương pháp chống hạn lâu dài, đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân đến khi mùa mưa”.
Hà Tĩnh phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch |
Mặt khác, hầu hết người dân xem nước là một nguồn tài nguyên vô hạn và thoải mái sử dụng. Quan niệm sai lầm đó dẫn đến sự lãng phí trong sử dụng nguồn nước. Chính vì vậy, việc cấp và sử dụng nước sạch không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ, vào cuộc của người dân, công tác thông tin - giáo dục - truyền thông đã được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh quan tâm và đẩy mạnh thông qua tập huấn trực tiếp, tuyên truyền trên báo, đài, xây dựng pa nô, áp phích…
Với những nỗ lực lớn, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đang hướng tới mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn, đảm bảo chất lượng và cấp nước thường xuyên, liên tục phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.