Hà Tĩnh: Còn bất cập trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trường Giang| 03/06/2021 13:35

(TN&MT) - Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện thi hành Luật Đất đai 2013, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từng bước đưa công tác quản lý đất đai ở địa phương đi vào nền nếp.

Thông qua công tác quy hoạch sử dụng đất đã chủ động dành quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu dân cư.

Đặc biệt, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở để thực hiện kế hoạch hóa quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đồng bộ với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một góc TP. Hà Tĩnh. Ảnh: MH

Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch sử dụng đất chi tiết cấp huyện đã được đánh giá cụ thể trong quá trình lập kế hoạch sử dụng đất năm sau, trong đó có thống kê chi tiết đến từng hạng mục công trình đã thực hiện, hạng mục công trình chưa thực hiện.

Đồng thời, đề xuất hạng mục chuyển sang thực hiện tiếp trong năm sau, hạng mục công trình không tiếp tục thực hiện. Ngoài việc đánh giá hạng mục công trình theo quy hoạch thì còn đánh giá danh mục công trình dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được HĐND tỉnh chấp thuận trong năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai.

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 40 Luật Đất đai 2013 quy định: “Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, ngoài việc căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện thì không căn cứ vào quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất”.

Trên thực tế, việc quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác còn nhiều chồng chéo và chưa thống nhất nên gây khó khăn trong việc thực hiện. Đơn cử: Theo quy định tại Điïu 52 Luật Đất đai 2013, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là: “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.

Song, khi triển khai thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phải căn cứ thêm quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác, nếu không phù hợp phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của từng ngành.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, có những dự án đề nghị quyết định chủ trương đầu tư sau khi kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không có quy định cụ thể quyết định chủ trương đầu tư có trước hay kế hoạch sử dụng đất có trước. Đây là khó khăn bất cập trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

Thứ hai, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài; quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa ổn định như quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch nuôi trồng thủy sản… vì vậy vẫn còn tình trạng một số quy hoạch bất cập với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đặc biệt, một số địa phương lập quy hoạch các điểm dân cư nông thôn có xu hướng bám vào các trục đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, không hình thành các khu dân cư tập trung gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng.

Thứ ba, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những hạn chế; chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa xem xét kỹ đến khả năng nguồn kinh phí thực hiện các công trình, dự án nên tỷ lệ thực hiện đạt còn thấp. Việc công khai cắm mốc quy hoạch chậm hoặc chưa thực hiện, đặc biệt tại khu đô thị và các tuyến giao thông chính, một số nơi sau cắm mốc quy hoạch do quản lý không chặt chẽ nên mất mốc, bị xê dịch mốc.

Cuối cùng là việc quản lý, thực hiện quy hoạch chưa nghiêm túc, tình trạng lấn chiếm, xây dựng cơi nới các công trình kiến trúc trái phép chưa được xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Còn bất cập trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO