Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện, yêu cầu: Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai công tác ứng phó.
Nội dung công điện: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, giám đốc các sở, thủ trưởng các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường lực lượng trực ban tại các cơ quan, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời ứng cứu và xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Hà Tĩnh được dự báo sẽ xẩy ra mưa lớn do nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 |
Yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo nghiêm túc, đảm bảo an toàn về người khi có mưa, lũ xẩy ra, tuyệt đối không để thiệt hại về người do bất cẩn, nếu địa phương nào để thiệt hại về người do bất cẩn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Công điện nêu rõ: Các địa phương ven biển tổ chức kiểm tra ngay để hướng dẫn cho người dân có phương án bảo vệ an toàn các khu vực nuôi, trồng thủy sản; nhất là các địa phương có nuôi, trồng thủy sản ven biển, cửa sông, trên các lồng bè; đề phòng mọi bất trắc, giảm tối đa thiệt hại của người dân nuôi trồng thủy sản khi có mưa, lũ lớn gây ra.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động ứng phó.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương ven biển kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, thường xuyên liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
Các địa phương vùng núi,vùng thấp trũng: Tiến hành kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng.
Với những huyện miền núi có khả năng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, thượng Kỳ Anh, hạ du các hồ chứa nước lớn phải thường xuyên theo dõi chẽ diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin và qua các hệ thống đo mưa tự động đã được lắp đặt tại địa phương, để kịp thời thông báo đến tận người dân biết chủ động phòng, tránh.
Đối với các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện như Hố Hô, thủy điện Hương Sơn phải theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình mưa, lũ, phối hợp chặt chẽ với địa phương vùng ảnh hưởng để chủ động điều tiết sớm, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…
Các địa phương phải huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai của cơ sở, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai, những vị trí dòng chảy dễ bị tắc nghẽn để kịp thời phát hiện các sự cố, kịp thời báo chính quyền địa phương triển khai các giải pháp ứng phó.