Tài nguyên

Hà Nội thông qua quy hoạch Thủ đô, quy mô dân số đến 2050 là 13,5 triệu người

Theo VOV.VN 29/03/2024 - 20:31

Trong Quy hoạch Thủ đô, thành phố đề xuất hệ thống đô thị Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 sẽ tổ chức theo mô hình đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm.

Sáng 29/3, HĐND thành phố thảo luận, xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

ha noi thong qua quy hoach thu do, quy mo dan so den 2050 la 13,5 trieu nguoi hinh anh 1
Đại biểu thảo luận và bấm nút biểu quyết thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trước đó, trình bày tờ trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...; là trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; có đô thị xanh, thông minh, hiện đại, nông thôn sinh thái, văn minh, thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao, con người hào hoa, văn minh, thanh lịch, nghĩa tình, là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Theo Quy hoạch, quy mô dân số thường trú của Hà Nội đến 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 USD - 46.000 USD; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85% vào năm 2050.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Trong quy hoạch, Thành phố đề xuất hệ thống đô thị Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 sẽ tổ chức theo mô hình: đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm. Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội, nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng.

ha noi thong qua quy hoach thu do, quy mo dan so den 2050 la 13,5 trieu nguoi hinh anh 2
Cấu trúc không gian đô thị Hà Nội

Khu vực nội đô gồm 10 quận nội thành hiện hữu: Thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu vực phố cổ, các di sản văn hóa, các tích lịch sử, các khu kiến trúc Pháp, khu trung tâm hành chính Ba Đình, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng truyền thống có giá trị … trở thành trung tâm văn hóa của Hà Nội.

Phát triển mở rộng đô thị trung tâm về phía Tây và phía Nam thuộc địa giới hành chính Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần Thanh Oai, Thường Tín: gắn với trục đô thị theo hành lang vành đai 4.

Khu vực đô thị phía Đông gồm Long Biên, Gia Lâm và phần quận Đông Anh (hình thành trong tương lai) phát triển các dịch vụ đầu mối về thương mại logistics, dịch vụ hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa chất lượng cao, thương mại tài chính cho vùng phía Đông thuộc đồng bằng Sông Hồng.

Khu vực đô thị phía Đông gồm Long Biên, Gia Lâm và phần quận Đông Anh (sẽ hình thành trong tương lai) phát triển các dịch vụ đầu mối về thương mại logistics, dịch vụ hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa chất lượng cao, thương mại tài chính cho vùng phía Đông thuộc đồng bằng Sông Hồng.

Khu vực đô thị nông thôn phía Tây Thủ đô, gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ: Là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao, ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, công nghiệp phần mềm và trí tuệ nhân tạo; xây dựng thành phố Khoa học và Đào tạo tại khu vực Hòa Lạc. Khu vực Sơn Tây – Ba Vì là trung tâm du lịch văn hóa.

Khu vực đô thị phía Nam Thủ đô, gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức: Trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại; là trung tâm đầu mối logistics lớn của vùng Thủ đô kết nối khu vực phía Nam;

Phát triển trục sông Hồng trở thành không gian văn hóa, kinh tế, sinh thái, biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội. Phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.

Tiến hành chỉnh trang, cải tạo, khai thác khu vực hồ Tây và phụ cận, tạo lập các không gian văn hoá, không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian xanh, sinh thái.

Khai thác không gian khu vực phố cổ, thí điểm đầu tư theo hình thức đầu tư công quản trị tư đối với một số không gian ngầm khu vực nội đô lịch sử. Phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp” gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị.

Phát triển không gian trên mặt đất với các mô hình tuần hoàn, tự thẩm thấu trong thoát nước đô thị; từng bước nghiên cứu, áp dụng hình thức tự điều chỉnh đất đai để xây dựng phải đảm đảm bảo đáp ứng được điều kiện về giao thông và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Khai thác không gian mặt nước phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, áp dụng mô hình đô thị TOD nhằm tạo dựng các khu vực đô thị nén có hiệu quả sử dụng đất tối ưu, cân đối dân số phù hợp với lợi thế của mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn tại khu vực này.

Nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; Nơi đáng sống người dân hạnh phúc, cộng đồng vững mạnh, môi trường sống an toàn, lành mạn; Thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; Kết nối toàn cầu; Đô thị 15 phút.

Thành phố phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn): Đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kết nối quốc tế, tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển không gian đô thị theo mô hình TOD, đô thị 15 phút, khai thác trọng tâm sân bay quốc tế Nội Bài, trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài.

Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai): Đô thị đại học, trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia với Khu công nghệ cao Hoà Lạc là hạt nhân. Xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, với các dịch vụ, tiện ích công cộng hiện đại, chất lượng cao với khu vực Sơn Tây là hạt nhân.

Mô hình phát triển không gian đô thị của Thủ đô gồm: đô thị trung tâm và các Thành phố thuộc Thủ đô, đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái. Trong thành phố thuộc Thủ đô bao gồm có cả khu vực đô thị và nông thôn được quản lý và phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của đô thị Hà Nội. Trước mắt thành lập thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây; tương lai sẽ nghiên cứu hình thành thêm thành phố Sơn Tây và thành phố phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thông qua quy hoạch Thủ đô, quy mô dân số đến 2050 là 13,5 triệu người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO