Xã hội

Hà Nội: Mực nước Sông Hồng dâng cao, người dân bãi giữa đi lại bằng đò

Đức Tâm 10/08/2024 - 19:28

(TN&MT) - Gần 1 tháng nay kể từ khi thủy điện xã lũ, người dân sinh sống ven sông Hồng (Hà Nội) gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt và đi lại hàng ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo TN&MT, ngày 10/8, tại đường nhánh kết nối khu vực nội đô và bãi giữa sông Hồng khu vực ngõ 76 phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bị chia cắt bởi nước sâu, có nơi ngập đến hơn 2m. Tại đây, những chiếc đò đã trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu cho người dân.

4fd90036b94d1d13445c16.jpg
Chiếc đò người dân sử dụng để di chuyển hàng ngày vào bãi giữa sông Hồng

Cô Thủy, một người dân có vườn canh tác tại khu vực này cho biết đến hôm nay 10/8 nước đã bắt đầu rút dần so với những ngày cao điểm. "Phía mé bờ sông vẫn ngập nặng, nhiều nhà sống ven sông bị ngập đến tận mái. Nhà cô có vườn ở đây đã 7-8 năm rồi nhưng năm nay mới thấy bị ngập nặng như vậy" - cô Thủy chia sẻ.

ed3be39c55e7f1b9a8f622.jpg
Cô Thuỷ và cháu đang đợi chuyến đò để vào khu vực bãi giữa sông Hồng

Trong hơn 1 tháng nay, nhiều người dân sinh sống và canh tác trong bãi giữa phải sử dụng đò để đi lại. Cứ 5h sáng, chú Toàn - một người dân sinh sống tại đây lại cho thuyền đỗ tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) để chở những người có nhu cầu đi lại vào bãi giữa. Giá mỗi lượt đi bằng thuyền là 10.000 đồng/người. "Ở đây có 2 chiếc thuyền của người dân lấy về để phục vụ người dân việc đi lại, chiếc thuyền của tôi phải lấy từ tận chùa Hương về" - chú Toàn cho biết.

b9c51975a20e06505f1f12.jpg
Chú Toàn hàng ngày vận chuyển người dân qua lại đoạn ngập để đi mua thức ăn và đồ dùng sinh hoạt.
1c1a337385082156781919.jpg
Đã hơn 1 tháng nay, mực nước sông Hồng dâng cao cũng là lúc người dân bãi giữa phải sử dụng đò để di chuyển.
aa38d3066b7dcf23966c.jpg
Nhiều hộ dân có đất trồng ngô, trồng rau trong bãi giữa vẫn phải đi lại hàng ngày để canh tác, thu hoạch

Theo công điện của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vào 18h ngày 10/8, Thủy điện Sơn La sẽ đóng 1 cửa xả đáy cuối cùng còn lại. Như vậy đến nay chỉ còn Thuỷ điện Hoà Bình đang thực hiện xả lũ.

Để chủ động đảm bảo an toàn cho người dân, công trình và các hoạt động ven sông khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mực nước Sông Hồng dâng cao, người dân bãi giữa đi lại bằng đò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO