Hà Nội: Hàng loạt bến bãi vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép

01/05/2018 20:29

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều bến bãi vật liệu xây dựng tập trung dọc các tuyến sông trên địa bàn TP. Hà Nội hoạt động thiếu giấy phép nhưng chưa được xử lý dứt...

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều bến bãi vật liệu xây dựng tập trung dọc các tuyến sông trên địa bàn TP. Hà Nội hoạt động thiếu giấy phép nhưng chưa được xử lý dứt điểm, trong số 188 bến bãi đang hoạt động thì chỉ có 37 bến bãi có giấy phép...

Chưa xử lý dứt điểm vi phạm

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, hiện nay, ven các tuyến sông trên địa bàn TP. Hà Nội còn tồn tại các bến bãi chứa vật liệu xây dựng, nhiều bến bãi hoạt động thiếu giấy phép nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tập trung trên các tuyến đê, trong đó, có 188 bãi hoạt động và 14 bãi đang tạm dừng hoạt động. Trong số bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, có 37 bãi có giấy phép. 

Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa tồn tại các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Trước thực trạng trên, các Hạt Quản lý đê thuộc Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với đơn vị liên quan lập biên bản và kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn xử lý, giải tỏa các trường hợp hoạt động khai thác, tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông không có giấy phép.

Thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn thành phố xảy ra nhiều sự cố công trình đê điều. Các sự cố tập trung ở các quận, huyện, thị xã có tình trạng khai thác cát lòng sông và tập trung nhiều điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông như: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm...
31662217 1005313669637530 8628363567067824128 n
Trong số 188 bãi bến tập kết vật liệu xây dựng tại Hà Nội đang hoạt động thì chỉ có 37 bãi có giấy phép.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, để bảo đảm an toàn đê điều, quản lý và khai thác sử dụng đất bãi sông hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra những sự cố công trình, gây thiệt hại về người và tài sản do tình trạng khai thác cát lòng sông, hoạt động tập kết, kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng không phép, sai phép gây ra đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn của các sở, ngành thành phố và địa phương. 

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xử lý quyết liệt các bãi vật liệu vi phạm hành lang đê điều và thoát lũ. Công an thành phố phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra xử lý các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động trái phép để lập hồ sơ xử lý... 

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và giấy phép hoạt động của các bến bãi khai thác cát sỏi, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông. Qua đó, kiên quyết đình chỉ các trường hợp hoạt động không có giấy phép, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các bến bãi hoạt động sai phép. 

Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi những phần đất cho thuê trái thẩm quyền, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích, để hoạt động kinh doanh, tập kết trung chuyển vật liệu tại khu vực bãi sông trên địa bàn toàn thành, phố. Còn Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý đối với các phương tiện hoạt động đường thủy; thường xuyên kiểm tra, xử lý hoạt động bến thủy nội địa trái phép, nhất là các bến thủy nội địa có hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng.

Về trách nhiệm quản lý trực tiếp tại địa bàn, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, các điểm khai thác cát khu vực lòng sông; kiên quyết xử lý, giải toả các trường hợp không có giấy phép theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý đối với khu vực bãi bồi ven sông; kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng các khu vực bãi ven sông theo quy định; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đính, vi phạm pháp luật; kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn nhưng không xử lý kịp thời.

Cần vào cuộc mạnh tay

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/04/2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 2906/VP-KT đề nghị sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Công văn nêu rõ, UBND TP. nhận được các văn bản của Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Trong đó, đề nghị, đối với Dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai năm 2018, hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện. Các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. 

UBND các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân tạo sự đồng thuận; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều tới các tổ chức, cá nhân. 

Các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật. Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động liên quan đến đê điều đảm bảo thực hiện đúng nội dung được cấp phép, an toàn chống lũ của đê.
Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
Thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện dự án cấp bách xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều (phân loại rõ hành vi vi phạm, mức độ và tính chất vi phạm) và công tác xử lý vi phạm của địa phương gửi Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP. Hà Nội có diễn biến phức tạp nên đề nghị UBND TP. Hà Nội quan tâm và khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp ngăn chặn hiệu quả không để phát sinh vi phạm mới, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Về việc trên, UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã có công trình vi phạm tập trung xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Mới đây, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng đã có đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 04/2018 cho biết, trong tháng 04/2018 trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Đê điều. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương mới giải toả được 2 vụ, trong đó 1 vụ của tháng 4 được xử lý ngay và 1 vụ của các tháng trước năm 2018. Như vậy, số vụ vi phạm còn tồn đọng của tháng 4/2018 là 21 vụ.

Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình, đổ đất san lấp mặt bằng và tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm chỉ giới đê điều. 

Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai còn có hiện tượng né tránh, hiệu quả xử lý thấp. Các đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm đê điều của UBND thành phố đã ban hành. 

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến xử lý còn nhiều hạn chế, tính răn đe giáo dục không cao. Một số cấp chính quyền xã, phường, quận chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức, xử lý không dứt điểm, dẫn đến tái vi phạm, coi thường pháp luật.

Thiết nghĩ, việc hàng loạt bến bãi vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu đê điều, nguy cơ lũ lụt trong mùa mưa bão và đời sống của người dân. Vì vậy, việc lập lại trật tự, siết chặt quản lý là yêu cầu cấp thiết của TP. Hà Nội.
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hàng loạt bến bãi vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO