Hà Nội: Gỡ vướng nhiều dự án bất động sản
(TN&MT) - Trên toàn TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 400 dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ. Trong đó, thành phố mới xử lý được gần 160 dự án, còn gần 250 dự án đang được tiếp tục xử lý. Khoảng 3 năm gần đây, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội chậm, không có dự án mới được phê duyệt đầu tư.
Ách tắc nguồn cung
Tình trạng nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý đã dẫn đến việc nguồn cung bất động sản tại Hà Nội bị hạn chế. Sau gần 3 năm, thị trường thiếu dự án, giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng 40 - 50%. Và cơ hội sở hữu nhà ở của những người dân có điều kiện tài chính còn eo hẹp càng trở nên khó khăn khi giá nhà đất vẫn leo thang ở mức rất cao. Cụ thể, phân khúc nhà trong ngõ giá 3 - 4 tỷ đồng ngày càng khó tìm. Giá chung cư cũ, tập thể cũ tăng gần 50% so với thời điểm 1 - 2 năm trước đó. Một phân khúc bất động sản khá "kén" người mua như biệt thự, liền kề tại các dự án bất động sản ghi nhận tăng 50 - 100% chỉ trong vòng hai năm qua như Hoài Đức, Đan Phượng, Nam Từ Liêm...
Trong khi giá nhà đất tăng phi mã, nhiều dự án bất động sản vẫn không triển khai được. Như, huyện Mê Linh vẫn đang có gần 40 dự án; Hoài Đức trên 10 dự án nằm chờ pháp lý nhiều năm không được giải quyết, gây lãng phí đất đai. Nếu các vướng pháp lý của các dự án chưa được tháo gỡ. Giá nhà chưa thể hạ nhiệt vì mọi chi phí đầu vào đều tăng. Giá bán nhà không thể hạ giá thấp.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định hiện tượng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung trên thị trường bất động sản đã được cảnh báo từ lâu, và dường như thực trạng này đang đi ngược với quy luật thị trường. Bởi trong một thị trường bất động sản bình thường, khi nhu cầu về một loại hình sản phẩm tăng, nguồn cung sẽ tăng để đáp ứng và giá cả cũng điều chỉnh theo mức hợp lý. Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung nhà ở bình dân lại vắng bóng.
"Nếu tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung tiếp tục tiếp diễn nhưng không có sự can thiệp kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đó là giá nhà vượt tầm chi trả của phần đông người dân, càng làm gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở. Mặt khác, có thể tạo ra nguy cơ "bong bóng" bất động sản, khiến thị trường kém bền vững và dễ tổn thương trước những biến động kinh tế.
Thậm chí, tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm trở nên trầm trọng, việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội bị đình trệ, đồng thời đẩy một bộ phận người dân ra khỏi khả năng tiếp cận nhà ở; thì không chỉ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, mà còn gây ra những bất ổn về mặt xã hội do nhu cầu an cư của người dân không được đáp ứng", ông Đính lưu ý.
Hà Nội vào cuộc "cứu" các dự án
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vừa có cuộc họp khẩn để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, những nội dung tồn tại, vướng mắc đối với 5 dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn . Đồng thời, đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, thực hiện có hiệu quả công tác chống lãng phí; đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
5 dự án được xem xét đó là dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh; dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ, quận Ba Đình; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành, địa phương phải có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa những tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách.
Từ khi thị trường bất động sản lâm vào khó khăn ở thời điểm cuối năm 2022, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường. Trong đó, việc thành lập Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản là một trong những động thái quan trọng hàng đầu. Rất nhiều văn bản kiến nghị đã được xử lý, nhiều dự án với các "nút thắt" tồn tại hàng chục năm qua đã được gỡ bỏ. Điều này giúp thị trường bất động sản ghi nhận một lượng lớn dự án được tái khởi động.
Ghi nhận thực tế trên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội), đã có 5 dự án chung cư đang tái khởi động trở lại sau nhiều năm "đắp chiếu". Trong đó, có dự án đang chuẩn bị mở bán; dự án đang tiếp tục xây dựng... Tại nhiều quận huyện khác như Hoàng Mai, Thanh Xuân nhiều dự án chung cư tiếp tục được đưa ra thị trường như dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội)... Điều này đặt ra kỳ vọng cơn khát nguồn cung trên thị trường bất động sản Thủ đô sẽ được từng bước giải tỏa.