Hà Nội: Dự án BĐS Đông Anh, Gia Lâm sẽ phục hồi sớm
(TN&MT) - Thị trường bất động sản (TT BĐS) trong quý 3/2023 diễn ra chậm với lượng giao dịch thấp cùng với sự thận trọng của các chủ đầu tư trước việc ra hàng mới. Tuy nhiên, sự hình thành quận mới và cơ sở hạ tầng hoàn thiện dự kiến sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi của TT BĐS.
Công ty TNHH Savills Việt Nam đánh giá, TT BĐS nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong quý 3/2023, giá BĐS tại Hà Nội tiếp tục có xu hướng đi lên. Trong đó, phân khúc căn hộ, nguồn cung mới giảm 47%. Đáng chú ý, giá căn hộ sơ cấp tiếp tục tăng 13%, và được ghi nhận cao hơn 77% so với quý 1/2019. Nguồn cung trong quý 4/2023 chủ yếu đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Hạng B tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong nguồn cung tương lai.
Số lượng căn bán giảm 16%, số lượng căn bàn giao giảm giảm 26% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025, thúc đẩy nhu cầu thứ cấp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nguồn cung sơ cấp chủ yếu tập trung vào loại hình căn hộ tại Hà Nội, tập trung vào các dự án quy mô lớn như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và giỏ hàng chủ đầu tư từ các dự án hiện hữu. Miền Bắc có nguồn cung thấp tầng tương đối ổn định hơn so với miền Nam; nguồn cung hiện tại tập trung chủ yếu ở Hưng Yên. Tỉ lệ hấp thụ tính trên nguồn cung sơ cấp toàn khu vực miền Bắc đạt khoảng 15 – 20%.
Huyện Gia Lâm đã lên quận trong quý này và dự kiến sẽ bổ sung hơn 8.000 căn hộ cho nguồn cung tương lai, được hưởng lợi từ việc hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy trong quý 3/2023 và cầu Đuống vào năm 2025.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá: “Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức. Các luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển.”
Về phân khúc nhà liền kề/biệt thự, nguồn cung mới giảm 76% theo quý và giảm 94% theo năm. Nguồn cung sơ cấp giảm 9% theo quý và giảm 39% theo năm, trong đó nhà liền kề chiếm ưu thế.
Số căn đã bán trong quý 3/2023 giảm 5% theo quý và giảm 66% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 14%. Theo quý, giá biệt thự sơ cấp trung bình tăng 3%, nhà liền kề tăng 9% và shophouse tăng 6%. Giá thứ cấp trung bình tăng 5% theo quý, thấp hơn 19% so với giá sản phẩm sơ cấp.
Trong quý 3/2023, quận Gia Lâm chiếm 6% nguồn cung thấp tầng tại Hà Nội. Thị trường nhà ở tại Gia Lâm và phía Đông Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các dự án cơ sở hạ tầng.
Nguồn cung trong quý 4/2023 chủ yếu sẽ đến từ các dự án mới. Đến năm 2025, Đông Anh sẽ dẫn đầu với 23% thị phần nguồn cung tương lai, theo sau là quận Hà Đông.
Đánh giá về thị trường biệt thự, nhà liền kề, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ: “Thị trường trong quý diễn ra chậm với lượng giao dịch thấp cùng với sự thận trọng của các chủ đầu tư trước việc ra hàng mới. Tuy nhiên, sự hình thành quận mới và cơ sở hạ tầng hoàn thiện dự kiến sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi của TT BĐS”.
Theo Savills, dòng vốn FDI tiếp tục tạo ra nguồn cầu vững chắc cho phân khúc căn hộ dịch vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 8% theo năm. Hà Nội ghi nhận lượng đăng ký cao nhất cả nước, theo sau là Hải Phòng và TP. HCM.
Nguồn cung căn hộ dịch vụ quý 3/2023 tăng 3% theo quý và 4% theo năm, sau khi L7 West Lake Hà Nội đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy giảm -1 điểm % theo quý nhưng tăng 4 điểm % theo năm. Giá thuê tăng 1% theo quý và 2% theo năm.
Quận Tây Hồ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn cung tương lai. Các thương hiệu quản lý hàng đầu thị trường bao gồm The Ascott và Lotte, với thị phần lần lượt là 59% và 8%.
Ông Phạm Anh Khôi - Tiến sĩ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh cho biết, TT BĐS đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy. Quý 4, TT BĐS sẽ ấm dần lên. Sự phục hồi dự kiến bắt đầu từ thị trường nhà ở tại các đô thị lớn ven Hà Nội. Đặc biệt, các quận mới thành lập như Đông Anh, Gia Lâm.