Hà Nội: Đến bao giờ môi trường sống tại quận Tây Hồ mới được cải thiện

19/07/2018 08:51

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết “Tây Hồ - Hà Nội: Sống chung với ô nhiễm” phản ánh về việc đốt rác, tập kết bừa bãi rác, phế thải...

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết “Tây Hồ - Hà Nội: Sống chung với ô nhiễm” phản ánh về việc đốt rác, tập kết bừa bãi rác, phế thải tại đường Hồng Hà, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tới thời điểm này hiện trạng môi trường sống nơi đây vẫn nhếch nhác mất vệ sinh môi trường.
 
Hình ảnh
Hình ảnh được phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận thực tế ngày 18/7/2018 tại đường Hồng Hà, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Để làm rõ vấn đề vì sao rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng được vô tư tập kết tại đây gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan đô thị và bức xúc trong nhân dân. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Sáng – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, ông Sáng cho biết: Thực tế hiện trạng ô nhiễm môi trường trên đường đường Hồng Hà kéo dài gần 1 km bắt đầu từ điểm giao cắt với phố An Dương xuôi về cầu Long Biên người dân phản ánh là đúng và nó đã tồn tại trong một thời gian dài.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội từ ngày 1/3/2017 trên địa các phường thuộc quận Tây Hồ đồng loạt chuyển sang hình thức đấu thầu thu gom rác. Tuy vậy, trong gói thấu các khu vực, tuyến phố, đường quốc lộ mà thành phố đã ban hành thì toàn bộ tuyến đường Hồng Hà bao gồm cả đoạn đường với chiều dài gần 1 km nằm trên địa giới hành chính của quận Tây Hồ được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình phụ trách công tác đôn đốc, giám sát đơn vị đấu thầu thu gom rác là Xí nghiệp Môi trường đô thị Ba Đình, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Do đó, việc duy trì và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường có một phần trách nhiệm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình và đơn vị Xí nghiệp Môi trường đô thị Ba Đình.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết: Các vị trí phát sinh ô nhiễm do rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng trên đường Hồng Hà không thuộc phạm vi quản lý của chính quyền phường Phúc Xá. Cụ thể, theo hồ sơ mốc giới địa chính năm 1991 ranh giới giữa phường Yên Phụ quận Tây Hồ với phường Phúc Xá, quận Ba Đình là từ ngõ 15 đường Hồng Hà ngược trở về cửa khẩu Tân Ấp và xuôi xuống phía sau nữa là cầu Long Biên.

Đường Hồng Hà cách đây vài năm là một trong những khu vực nhếch nhác và mất vệ sinh môi trường do sự xuống cấp trầm trọng của tuyến đường, cùng với đó là mật độ các phương tiện như ô tô, xe máy qua lại tuyến phố này tương đối đông, nên mặt đường tại nhiều vị trí nước thải ứ đọng, bốc mùi hôi thối, xú uế nồng nặc. 

Trước thực trạng đó UBND phường Phúc Xá, UBND quận Ba Đình đã có nhiều Văn bản kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội quan tâm đâu tư, cải tạo tuyến phố Hồng Hà. Đến nay, về cơ bản đường Hồng Hà đã được thành phố đầu tư nâng cấp đảm bảo việc đi lại của người dân, cũng như không còn hình ảnh nhếch nhác mất vệ sinh như trước kia.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Nếu tình trạng rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng tập kết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân trên đường Hồng Hà thuộc địa bàn phường, UBND phường Phúc Xá ngay lập tức cử các lực lượng công an, cán bộ địa chính, cán bộ môi trường xuống giám sát, kiểm tra, có các biện pháp duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực, đặc biệt là cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp hợp cố tình vi phạm vứt, xả rác và đổ phế thải bừa bãi tại đây”.
 
Môi trường sống vẫn không được cải thiện.
Còn đây là hình ảnh được phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận thực tế ngày 11/7/2018 

Ông Trần Tuấn Anh – Cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết: Theo gói thầu vệ sinh môi trường UBND thành phố giao cho Ban quản lý, giám sát vấn đề thu gom rác toàn bộ tuyến phố Hồng Hà. Tuy nhiên, công việc chính của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, cũng như Xí nghiệp Môi trường đô thị Ba Đình là tổ chức quét đường và thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình theo dọc đường Hồng Hà.

Trong trường hợp các loại rác thải khác như các loại bao tải, đất trạc, phế thải, vôi vữa, gạch vỡ, vật liệu xây dựng, rác thải công kềnh bàn, ghế, giường tủ thì theo gói thầu vệ sinh môi trường các loại rác thải nói trên không nằm trong danh mục thu gom, vận chuyện của Xí nghiệp Môi trường đô thị Ba Đình.

Do đó, theo ông Trần Tuấn Anh việc các loại phế thải, vật liệu xây dựng được tập kết một cách vô tội vạ trên đường Hồng Hà trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UBND phường Yên Phụ và UBND quận Tây Hồ trong việc xử lý nghiêm các hành vi vứt rác, xả rác bừa bãi tại khu vực này.

Trong các ngày 11/7/2018 và 18/7/2018 phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường quay trở lại các địa điểm tập kết rác, phế thải, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm trên đường Hồng Hà. Tuy vậy, theo những gì ghi nhận thực tế tại đây có thể thấy môi trường sống xung quanh vẫn không có nhiều cải thiện, các loại rác thải, phế thải vẫn thường xuyên được vứt một cách bừa bãi, các loại rác thải công kềnh bàn, ghế, giường tủ cũng được vô tư xả ra và đốt bừa bãi trên vỉa hè nằm ngay sát với hệ thống tường bao con đường gốm sứ Sông Hồng.

Trước thực trạng môi trường nơi đây không có nhiều chuyển biến dự luận đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương là UBND quận Tây Hồ và UBND phường Yên Phụ ở đâu khi để rác, phế thải phát sinh bừa bãi tại đây (?!), có hay không việc buông lỏng quản lý dẫn đến việc người dân vẫn cứ hồn nhiên, vô tư vứt và đốt rác gây ô nhiễm môi trường ngay giữa một quận trung tâm của thủ đô (?!).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đến bao giờ môi trường sống tại quận Tây Hồ mới được cải thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO