Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ Hà Nội nêu rõ cho đến nay, dư luận quốc tế cơ bản thống nhất đánh giá COVID-19 là đại dịch lớn nhất hành tinh, làm thay đổi đời sống con người lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2; đặt ra thách thức toàn diện cho cả thế giới và Việt Nam về bảo vệ sức khỏe cộng đồng; duy trì phát triển kinh tế và ổn định chính trị, xã hội.
Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước (số ca lây nhiễm nhiều nhất, nhiều ổ dịch phức tạp như: Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi…). Dịch COVID-19 đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại; làm đình trệ, đóng băng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất “cầm chừng”, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần chủ động, bản lĩnh, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt với phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô, góp phần vào thành công chung của cả nước trên mặt trận phòng, chống dịch.
Xác định giải pháp để tiên phong phục hồi kinh tế
Trong quý I/2019, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của Thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều giảm mạnh so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vào các tháng cuối năm; số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%; số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Chính vì vậy, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; việc tổ chức triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thành ủy; những thành tựu, kết quả nổi bật, nhất là vai trò của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu (bác sỹ, y tá, bộ đội, công an; cán bộ thôn, tổ dân phố…) và vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định là niềm tin vào Chính phủ, vào Thành phố, tinh thần đoàn kết, hợp tác của nhân dân Thủ đô.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, hội nghị cần chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm và định hướng, giải pháp trong thời gian tới khi rủi ro, nguy cơ vẫn hiện hữu do đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đã mất dấu F0 và một số trường hợp khỏi bệnh nhưng đã dương tính trở lại.
Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn được duy trì, GRDP đạt 3,72%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của Thành phố trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh (nếu nông nghiệp không tăng trưởng âm 1,17% thì tăng trưởng GRDP của Thành phố cao hơn bình quân cả nước) và đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các thành phố lớn trong nước và khu vực.
"Bên cạnh mặt trận phòng, chống dịch bệnh, Thành ủy và UBND Thành phố đã rất quyết liệt trên mặt trận thứ hai - mặt trận kinh tế với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép ngay từ những ngày đầu chống dịch”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Thành phố xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hội nghị cần phải trả lời được câu hỏi: “Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19; liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không?”. Và để làm điều đó, ông Vương Đình Huệ nêu rõ mỗi cấp ủy, chính quyền, quận, huyện doanh nghiệp cần xác định giải pháp cụ thể để thực hiện.
Cụ thể, các đại biểu tập trung thảo luận những định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (phấn đấu nông nghiệp tăng trưởng đạt 4-5%), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, đẩy mạnh sản xuất những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế trong điều kiện phòng, chống dịch (hóa chất, khẩu trang, thuốc sát trùng, dược phẩm…).
Bên cạnh đó là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…