Hà Nội: Chi 318 tỷ đồng để bình ổn giá năm 2013

11/08/2013 00:00

(TN&MT) - TP.Hà Nội sẽ chi 318 tỷ đồng làm nguồn vốn không tính lãi hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá từ tháng 7.2013 đến...

 (TN&MT) - Trong năm 2013, TP.Hà Nội sẽ chi 318 tỷ đồng làm nguồn vốn không tính lãi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá từ tháng 7.2013 đến tháng 4.2014.
   
  Thành phố sẽ tập trung bình ổn 10 nhóm hàng thiết yếu gồm: gạo tẻ thường (5.500 tấn); thịt lợn (900 tấn); thịt gà (450 tấn); trứng gà, vịt (6 triệu quả); thuỷ hải sản (300 tấn); dầu ăn (1,5 triệu lít); rau, củ (2000 tấn) và giấy vở viết học sinh. Số hàng bình ổn này đáp ứng bình quân 10% so với tổng mức tiêu thụ của Thành phố trong 1 tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng thêm 20%.
   
  Điểm nhấn trong Chương trình Bình ổn giá thành phố Hà Nội năm 2013 là tập trung mở rộng việc đưa hàng về khu công nghiệp, khu chế xuất, các bếp ăn tập thể dành cho công nhân, bếp ăn trường học dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên; các trường mầm non, đối tượng có thu nhập thấp.
   
   
  Theo kế hoạch, toàn Thành phố sẽ có 600 điểm bán hàng tập trung ở các siêu thị, chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm. Cùng với đó, các doanh nghiệp dự kiến tổ chức trên 300 phiên bán hàng lưu động, mở trên 10 phiên chợ Việt, với quy mô từ 15-20 gian hàng/phiên để bán các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng trong chương trình bình ổn.
   
  Các doanh nghiệp khi tham gia chương trình bình ổn giá phải đăng ký với Sở Tài chính, bán đúng giá đã được cam kết trong quá trình thực hiện chương trình, chỉ được phép tăng giá khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Tài chính và mức giá điều chỉnh phải thấp hơn giá thị trường 10%.
   
  Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng.
   
  Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, để đảm bảo hiệu quả của công tác bình ổn giá, Sở Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý các trường hợp về đầu cơ hàng hóa, là nguyên nhân chính của những cơn sốt giá đột biến.
   
Phạm Thu Hà
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Chi 318 tỷ đồng để bình ổn giá năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO