Đa dạng hình thức tuyên truyền
Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện Hạ Lang (Cao Bằng) đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. |
Là huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, với phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai được huyện Hạ Lang đặc biệt chú trọng, triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép qua các hội nghị tuyên truyền miệng, các hoạt động của đoàn thể, phương tiện truyền thanh địa phương, công tác trợ giúp pháp lý… Huyện đã tổ chức hội nghị, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật đất đai cho đội ngũ công chức địa chính 13/13 xã, thị trấn.
Hàng năm, UBND huyện Hạ Lang ban hành kế hoạch, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành... Qua đó, giúp người sử dụng đất nắm được những quy định cơ bản của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
Ông Nguyễn Phương Huy, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang cho biết, UBND huyện Hạ Lang thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền pháp luật về đất đai cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp huyện và xã, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức và mỗi cá nhân đối với việc thực hiện Luật Đất đai, các nghị định, thông tư hướng dẫn và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Từ đó, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hạ Lang đã có sự chuyển biến tích cực, đưa pháp luật về đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai cơ bản được ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Những chuyển biến từ Luật Đất đai 2013
Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hạ Lang (Cao Bằng) đã có sự chuyển biến tích cực, pháp luật về đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống. |
Để thực thi pháp luật về đất đai, UBND huyện Hạ Lang đã ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, các xã, thị trấn trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình chuẩn bị làm thủ tục hồ sơ về đất. Trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện.
Công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, UBND huyện Hạ Lang luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn, triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và áp dụng đúng, đầy đủ quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước. Do đó, đa số người sử dụng đất bị thu hồi đã đồng thuận và chấp hành các quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ năm 2014 đến nay, huyện Hạ Lang đã thực hiện thu hồi 81,8 ha đất, trong đó, có 80,3 ha đất nông nghiệp, 1,5 ha đất phi nông nghiệp; thực hiện bồi thường bằng tiền đối với đất trên 14,8 tỷ đồng, bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất hơn 18,6 tỷ đồng, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề trên 26,5 tỷ đồng.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất của các công trình, dự án có sử dụng đất sang mục đích khác được thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai luôn được rà soát, sửa đổi, cập nhật thường xuyên. Chính sách công nhận quyền sử dụng đất, chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai đã giúp cho người có công, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống; khuyến khích người dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm nguy cơ xói mòn, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản dưới luật ở huyện Hạ Lang vẫn còn nhiều khó khăn khi giải quyết đối với trường hợp phát sinh các công trình, dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất, cũng như thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo ông Nguyễn Phương Huy, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang, nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình sử dụng lâu dài, hiện trạng về đất đai đã có sự thay đổi dẫn đến việc kiểm tra, quản lý đất đai gặp khó khăn, nhất là trên địa bàn thị trấn Thanh Nhật. Các công trình xây dựng giao thông nông thôn do người dân hiến đất để thực hiện mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi dẫn đến thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp chưa được chỉnh lý đồng bộ.
“Để tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai, huyện Hạ Lang tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành Tài nguyên và Môi trường của huyện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, hủy hoại đất đai”. Ông Nguyễn Phương Huy cho biết.