Hạ Lang (Cao Bằng): Siết chặt quản lý các mỏ đá 

Xuân Vũ - Anh Thư| 29/10/2019 11:00

(TN&MT) - Hạ Lang là một huyện có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản của tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là khoáng sản đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, nên việc kinh doanh, chế biến, khai thác đá làm VLXD ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng luôn là vấn đề cần được quan tâm.

 

Mỏ đá của HTX Khai thác đá và sản xuất VLXD tại xóm Bó Mu, xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Trên địa bàn huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng hiện có 4 mỏ khai thác đá được cấp quyền khai thác, sản xuất VLXD thông thường với công suất khoảng 45.000 m3 mỗi năm. Các mỏ đá trên địa bàn huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu về VLXD cho các công trình mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Linh Phú Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cho biết: Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện Hạ Lang chưa nhiều, nhưng hoạt động trong lĩnh vực này nếu không được quan tâm, quản lý chặt chẽ thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, tác động xấu đến môi trường là rất cao.

Để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản đá vôi sử dụng làm VLXD trên địa bàn huyện, Phòng TN&MT huyện Hạ Lang đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, trong đó có lĩnh vực khai thác đá.

Ngày 31/5/2016, UBND huyện Hạ Lang đã ban hành quyết định số 815/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện; giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, thị trấn để thống nhất biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở. Thành lập các tổ liên ngành của huyện thường xuyên phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền quy định.

Phòng TN&MT huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh, huyện có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất các hoạt động khai thác đá vôi làm VLXD trên địa bàn, các cuộc kiểm tra tập trung vào các nội dung: Mỏ đá có thực hiện khai thác đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật theo thiết kế khai thác đã được cơ quan chức năng phê duyệt; các nội dung báo cáo tác động môi trường; công tác an toàn lao động, vật liệu nổ tại các mỏ; nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên..., khi phát hiện các mỏ khai thác đá có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Song song với công tác kiểm tra, giám sát, huyện Hạ Lang cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn đặc biệt quan tâm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; nếu trường hợp cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, gây ra các sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, huyện sẽ làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc.

Cao Bằng siết chặt công tác quản lý các mỏ đá.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hạ Lang Linh Phú Cường cho biết thêm: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác đá làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; chưa có sự đồng bộ trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, quy hoạch khoáng sản giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt, một số xã, thị trấn chưa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cán bộ phụ trách ở một số xã, thị trấn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa tham mưu kịp thời với lãnh đạo xã, thị trấn về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Có thể nói, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung và khai thác đá vôi làm VLXD thông thường nói riêng đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động của huyện Hạ Lang. Nhưng đối với lĩnh vực khai thác đá tại huyện Hạ Lang, phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, tại một số điểm mỏ đá trên địa bàn huyện, một số công nhân chưa thực sự chấp hành tốt các quy định về an toàn lao động; điểm mỏ khai thác đá gần đường, không đảm bảo vệ sinh môi trường; mặt gương khai thác không được cắt tầng theo quy định, vách thẳng đứng... đó là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.

Thiết nghĩ, đối với những đơn vị khai thác đá hoặc công nhân tại các mỏ đá chỉ cần chút lơ là, chủ quan trong quá trình làm việc thì không chỉ gây ra tai nạn khôn lường mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị doanh nghiệp. Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác khoáng sản đá vôi làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cần được tiếp tục chú trọng hơn nữa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm, trong đó công tác tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn lao động, pháp luật về tài nguyên khoáng sản… phải được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ Lang (Cao Bằng): Siết chặt quản lý các mỏ đá 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO