Góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

Phạm Oanh| 01/07/2021 15:26

(TN&MT) - Sáng 1/7, Bộ TN&MT đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI,  Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo này quy định về trách nhiệm kiểm kê hoạt động phát thải và thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; phát triển thị trường các - bon trong nước; kiểm soát việc xuất nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô - dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính. Khi dự thảo được ban hành, các ngành nghề, lĩnh vực như nhiệt điện; công nghiệp; chăn nuôi; kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ; xử lý chất thải rắn… sẽ bị ảnh hưởng.

Làm rõ hơn những quy định quan trọng trong Dự thảo Nghị định, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu cho biết, Dự thảo quy định cụ thể về đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Tăng cường hấp thụ khí nhà kính; Hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính...

Riêng đối với lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Dự thảo đưa ra lộ trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định chưa phải bỏ chi phí thực hiện giảm nhẹ khí nhà kính. Nhưng đến giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

Ảnh minh họa

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tích Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để thực hiện các thỏa thuận quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn trong bối cảnh hiện này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy một số vấn đề cần được làm rõ hơn như: Đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nội dung hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính….

Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo Dự thảo Nghị định nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiên phong trong giảm phát thải khí nhà kính. Đơn cử như ở Nhật, chính quyền đã áp dụng dán nhãn nhận diện cho các đơn vị vận tải làm tốt công tác giảm phát thải. Việc này vừa khuyến khích doanh nghiệp tham gia, vừa tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiêp.

Đồng tình với quan điểm về tính cần thiết của Nghị định, tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh đại diện của Tập đoàn điện lực Việt Nam, Nghị định có nhiều quy định và khái niệm mới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và bỡ ngỡ khi tiếp cận nội dung. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về những khái niệm như khí thải; giảm phát thải; tầng ô-dôn; thị trường các-bon…..

Tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo tính hợp lý, khả thi của quy định. “Nghị định không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Nghị định là công cụ để Việt Nam tham gia và hòa nhập với sân chơi toàn cầu về thị trường các-bon…”, ông Tấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO