(TN&MT) - Sáng 6/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.
Quang cảnh Hội thảo
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997. Công ước áp dụng cho việc sử dụng các nguồn nước và nước trong đó có tính liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và quản lý có liên quan đến việc sử dụng các nguồn nước và nước liên quốc gia.
Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Các quy định của Công ước có tính áp dụng bắt buộc đối với các quốc gia đã phê chuẩn, gia nhập.
Tham gia Công ước, Việt Nam sẽ có các quyền lợi như sau: Quyền khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia trên nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý; Tiếp nhận thông tin, số liệu về các điều kiện khí tượng thủy văn, địa chất thủy văn, sinh thái, chất lượng nguồn nước và các thông tin, số liệu về dự báo có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; Tiếp nhận thông báo, thông tin, số liệu và kết quả đánh giá tác động môi trường của các dự án có khả năng gây tác động có hại đến việc sử dụng nguồn nước chung từ các quốc gia khác; Yêu cầu các quốc gia có chung nguồn nước phải tham vấn để đạt được thỏa thuận chung về các biện pháp nhằm ngăn ngưa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Công ước;…
Đồng thời, khi tham gia công ước, Việt Nam cũng có nghĩa vụ bảo đảm việc khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý và bảo vệ các nguồn nước liên quốc gia trên phần lãnh thổ Việt Nam; tham vấn trong việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững nguồn nước, điều tiết dòng chảy, đảm bảo an toàn công trình, ngăn ngừa tác động có hại có thể gây ra cho các nước có chung nguồn nước; đàm phán và tuân thủ phán quyết của bên thứ ba trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc khai thác, bảo vệ nguồn nước chung;…
Việt Nam nằm ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia lớn, với khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm được sản sinh từ nước ngoài. Điều đó cho thấy, tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn và việc giải quyết các vấn đề nguồn nước liên quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Các quy định của Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia có chung nguồn nước thương lượng, giải quyết vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước.
Với vai trò là một thành viên tích cực trong khối ASEAN, đồng thời là quốc gia nằm ở cuối nguồn các hệ thống sông quốc tế lớn, việc Việt Nam tham gia Công ước sẽ tạo tiền đề, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tham gia Công ước của các nước trong khối ASEAN và các quốc gia khác để sớm có hiệu lực.
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy hiện đã có 30 quốc gia tham gia Công ước nhưng Công ước vẫn chưa có hiệu lực vì cần có đủ 35 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập. Mặc dù có 09 thành viên ASEAN đã bỏ phiếu thuận nhưng đến nay tất cả các nước ASEAN đều chưa tham gia Công ước.
Thanh Tâm