Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại

26/04/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 25/4, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp với Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học và...

 

(TN&MT) - Ngày 25/4, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp với Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học và triển lãm “Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại”. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp gốm sứ của TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đã tham dự hội thảo.

Nghề gốm có mặt tại vùng Đông Nam bộ hàng trăm năm trước, khởi đầu từ Cù lao Phố thuộc TP Biên Hòa, sau đó nghề gốm được mở rộng tại vùng Sài Gòn – Gia Định và các vùng đất Lái Thiêu, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Trong hàng trăm năm đó, nghề gốm ở vùng Đông Nam bộ đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Từ những sản phẩm dân dụng đơn sơ lúc đầu như cái lu, khạp, nồi đất, gốm Đông Nam bộ đã vươn xa ra thị trường thế giới với những sản phẩm gốm mỹ nghệ theo phong cách riêng, mang đậm dấu ấn của thương hiệu gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu.

Cùng với giá trị truyền thống, giá trị nghệ thuật của gốm Đông Nam bộ thể hiện qua hai phương diện là tạo hình và trang trí sản phẩm. Bằng những đặc trưng và kỹ thuật sản xuất riêng, nghệ nhân Đông Nam bộ đã sản sinh ra dòng sản phẩm gốm có giá trị thẩm mỹ cao, được đón nhận và tôn vinh tại các cuộc triển lãm trong nước cũng như quốc tế.

Bên cạnh những giá trị nêu trên, các đại biểu cũng có chung ý kiến, rằng hiện trạng phát triển nghề gốm của vùng Đông Nam bộ chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của khu vực này; thời gian qua, giá trị sản phẩm gốm còn thấp, kiểu dáng mẫu mã còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn; việc quảng bá các hoạt động của nghề gốm còn thiếu tính đồng bộ; lực lượng những người làm gốm phần lớn chưa qua đào tạo cơ bản; hệ thống trang thiết bị trong hoạt động sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…

Để bảo tồn và phát huy được nghề gốm đã từng vang danh một thời ở Đông Nam bộ, Thạc sĩ Trần Đình Quả, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho rằng, giá trị của gốm truyền thống của khu vực sẽ được nhân lên khi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và vùng phụ cận có động thái gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy những giá trị từ di sản văn hóa có ở nơi đây với việc hiện đại hóa về ứng dụng công nghệ sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quản trị và môi trường ứng dụng để phát triển nghề gốm của các địa phương này.

Song song đó, để nghề gốm tiếp tục trở thành một ngành có tỷ lệ xuất khẩu cao trong nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, tham gia đóng góp vào hoạt động kinh tế của các tỉnh, thành thì cần phải có sự nghiên cứu đầu tư, chính sách phát triển, đào tạo bồi dưỡng và ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị, du lịch…

                                                                                      Tin & ảnh: Thục Vy

         

           

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO