Một góc Khu công nghiệp Phong Điền. Đến nay, nơi này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải |
KCN Phong Điền được thành lập từ năm 2009, là một trong những KCN phát triển đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo quy hoạch thì KCN này rộng khoảng 400ha hướng tới mở rộng 700 ha vào năm 2020, gồm 3 khu A, B và C và KCN Viglacera; yêu cầu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện KCN có rất nhiều nhà máy hoạt động và được cấp phép, khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Qua tìm hiểu của PV, quy định về bảo vệ môi trường đối với các KCN khi xây dựng các cơ sở sản xuất phải đồng thời với việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp và khu xử lý chất thải công nghiệp. Thế nhưng, do thiếu sự kiểm tra, giám sát và xử lý đồng bộ của các cơ quan chức năng nên nhiều năm qua, KCN Phong Điền vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung khiến người dân trong vùng rất bức xúc...
Người dân địa phương cho hay, nhiều năm qua họ sống trong lo âu vì nước thải từ KCN Phong Điền thải ra môi trường, các mương nước làm nước đổi màu đen sì, ô nhiễm nặng. Dù trong các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri, dân đã kiến nghị lên các cơ quan ban ngành nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Bà Lê Thị Hoài (thôn Trạch Tả, thị trấn Phong Điền) chia sẻ, lúc trước cứ tầm buổi trưa thì người dân sống dọc hai bên bờ sông Ô Lâu đều quy tụ về đây để giặc giũ quần áo, tắm rửa... Thời gian qua nước sông bỗng đục ngầu, nhiều người tắm về bị ngứa ngáy nên người dân rất lo lắng, nhiều người không dám đến sông nữa. Người dân rất mong muốn cơ quan chức năng xác định, có phải do nước thải từ KCN chảy xuống khiến sông Ô Lâu ô nhiễm hay không?
Nước thải ở KCN Phong Điền đổ ra sông Ô Lâu |
Ông Đỗ Đình M.- Đội trưởng Đội sản xuất thôn Trạch Tả thì cho hay, làng Trạch Tả nằm ở vùng thấp nhất của thị trấn. Vì vậy, nước thải của các nhà máy ở KCN sau khi chảy qua các kênh mương trong thị trấn rồi chảy qua làng và xuống sông Ô Lâu.
“Bấy lâu nay, các vụ mùa đều đạt năng suất cao nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng nước thải từ KCN gây ô nhiễm nên hơn 5 ha ruộng ở vùng thấp không thể trổ bông. Trước đây, cây cỏ tràm tự nhiên của xã mọc lên rất đẹp nhưng từ ngày nước thải KCN chảy trực tiếp ra môi trường khiến loại cây này cũng chết héo...”- ông M. nói.
Tìm hiểu thêm được biết tại KCN này, bên cạnh những thuận lợi thì hiện một số tuyến đường huyết mạch như Tỉnh lộ 6, đường giao thông nối các khu A, B và khu C còn quá nhỏ, xe tải trọng lớn không thể qua được, gây khó khăn trong việc vận chuyển. Diện tích khu A với trên 100 hecta hiện vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng, hệ thống hạ tầng vẫn còn thiếu nhiều, nhất là hệ thống XLNT tập trung như đã đề cập...
Ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền xác nhận, tình trạng các nhà máy đang hoạt động ở KCN Phong Điền sau khi qua hệ thống xử lý thải của từng nhà máy đã chảy trực tiếp ra môi trường rồi đổ về sông Ô Lâu gây ô nhiễm là có. Người dân cũng như huyện và các doanh nghiệp trong KCN đã nhiều lần kiến nghị cấp trên về việc mong muốn KCN này sớm có hệ thống xử lý nước thải, qua đó hạn chế sự ô nhiễm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như của địa phương, một phần là nguồn kinh phí xây dựng hệ thống này rất cao.
Theo người dân, nước thải ở KCN Phong Điền khiến đập Ba Làng ô nhiễm |
“Việc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ rất khó cho vấn đề kiểm soát, giám sát môi trường. Thời gian tới huyện sẽ xúc tiến làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho KCN. Huyện mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn để KCN Phong Điền phải ngày càng hoàn thiện trở thành KCN mạnh của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế và không ảnh hưởng đến cuộc sống bà con nơi đây...”, ông Hùng nói.
Liên quan đến vấn đế trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Phước Dũng - Phòng Đầu tư thuộc Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện nay lượng nước thải công nghiệp tại KCN Phong Điền chủ yếu từ nhà máy của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. với lượng nước thải khoảng 1.200 m3/ngày đêm. Công ty này đã xây dựng trạm xử lý nước thải nội bộ. Các nhà máy khác chủ yếu là nước thải sinh hoạt và các nhà đầu tư thứ cấp chủ động xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ để xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.
“Thời gian qua, Ban đã làm việc với các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để yêu cầu khẩn trương đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Hiện Tổng Công ty Viglacera- CTCP đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 với công suất 4.000 m3/ngày đêm để thu gom và xử lý nước thải cho KCN Viglacera và khu B, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2020. Công ty TNHH C&N Vina Huế- Hàn Quốc đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom và xử lý nước thải cho khu C và A, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Đồng thời, Ban sẽ yêu cầu các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN có kế khoạch tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trạm xử lý nước thải theo quy hoạch, qua đó đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải của các nhà máy trong KCN Phong Điền”, ông Dũng cho biết.
Bài 3: Tìm phương án tháo gỡ