(TN&MT) - Theo các chuyên gia, trước nhu cầu về năng lượng ngày một lớn của đất nước trong những năm tới thì việc không bỏ phí các nguồn tài nguyên quý giá đồng...
(TN&MT) - Theo các chuyên gia, trước nhu cầu về năng lượng ngày một lớn của đất nước trong những năm tới thì việc không bỏ phí các nguồn tài nguyên quý giá đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ việc phát triển các nguồn cung năng lượng sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nguồn điện mới cho đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc với chủ đề “Phát triển thủy điện nhỏ và vừa và năng lượng tái tạo”, do Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng tổ chức mới đây, nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ cởi trói về cơ chế phát triển các dự án nguồn điện trong bối cảnh Việt Nam đã dừng triển khai dự án điện hạt nhân, các nguồn thủy điện lớn không còn và nhiệt điện than bị phản đối gay gắt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, theo quy hoạch ngành điện Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam phải đạt sản lượng điện 265 tỷ KWh, đến năm 2030 phải có 570 tỷ KWh điện. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt... ngày càng cạn kiệt. Để cân đối mục tiêu trên, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030.
|
Thủy điện Trị An |
“Trong thời gian tới, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác như nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. điện mặt trời, điện sinh khối”, ông Ngãi nói.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng công suất các dự án thủy điện hiện đạt khoảng 17.000 MW, tạo ra sản lượng điện khoảng 70 tỷ kWh/năm. Hiện có trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng. Theo đánh giá chung, các dự án thủy điện này đã đi vào vận hành ổn định. Nhiều dự án đã trồng lại rừng. Hầu hết dự án không ảnh hưởng tới tái định cư và đời sống của người dân thượng lưu cũng như hạ du.
Các dự án thủy điện nhỏ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương là thông tin được ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nêu ra tại hội nghị. Theo ông Tính, tiềm năng quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn Lai Châu đã được quy hoạch là 400 MW và có thể đưa vào quy hoạch thêm tới 1.200 MW. “Thủy điện nhỏ của Lai Châu bình quân chiếm đất khoảng 3ha trong khi bình quân chiếm đất ở cả nước khoảng 7ha. Việc di dân, lấn đất không có. Lai Châu là tỉnh khó khăn và đóng góp cho ngân sách của tỉnh chính là từ thủy điện, chiếm 50%”, ông Tính cho hay.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các thủy điện nhỏ, đại diện Sở Công thương Lâm Đồng cho hay, Lâm Đồng hiện có 17 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và có 11 dự án khác đang triển khai với thời gian đi vào hoạt động dự kiến là năm 2020.
|
Bên cạnh những nguồn năng lượng như gió, mặt trời... thì việc cởi trói cho các thủy điện nhỏ dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng là giải pháp cần thiết vào thời điểm này |
Qua đánh giá của Sở Công Thương Lâm Đồng, dưới góc độ kỹ thuật, có thể khẳng định thủy điện không gây ra lũ lụt. Từ khi đưa vào vận hành một số thủy điện như Đại Ninh, Đồng Nai 1, 2, 3, 4 việc chống hạn đã mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế những ngập lụt. Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có tình trạng một số hồ thủy điện xả lũ chưa đúng quy định.
“Thủy điện giúp địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực vùng sâu vùng xa. Bên cạnh việc đóng góp ngân sách lớn cho địa phương khá lớn, nhiều vùng tận dụng được hạ tầng đường xá của các công trình thủy điện để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Nhiều hồ thủy điện còn tạo ra hồ nuôi trồng thủy sản, tạo thêm diện tích làm điện mặt trời, tiết kiệm diện tích đất”, đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng đánh giá.
Thông tin từ đại diện Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho hay, đến nay, tỉnh đã cho phép 46 nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, lập dự án đầu tư 76 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy dự kiến 1.132 MW và tổng giá trị đầu tư trên 33.000 tỷ đồng.
Việc khai thác tiềm năng thủy điện đã và sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương và đất nước, mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp và tăng sản lượng điện cung cấp trên địa bàn, giải quyết được bài toán thiếu điện hiện nay. Tuy nhiên, để khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng thủy điện, theo ông Phan Văn Cương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý; trong quá trình thẩm định dự án phải tiến hành kiểm tra, xem xét cụ thể từng nội dung, chú trọng kiểm tra thực tế hiện trường…
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, tổng công suất nguồn thủy điện mới này sẽ đạt được từ 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh/năm, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán thiếu hụt điện năng đến năm 2030. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cho đến nay, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành ổn định, nhiều dự án đã trồng lại rừng, hầu hết không ảnh hưởng tới tái định cư, đời sống vùng thượng lưu, hạ lưu; cùng với đó, việc xả lũ đã theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành, giúp điều tiết nguồn nước… |
Bích Động