Biển đảo

Giữ xanh “quần đảo bão tố ”

Mai Thắng - Số 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11, TP. Vũng Tàu 22/10/2024 - 10:21

(TN&MT) - Trước nguy cơ biển và đại dương bị rác thải “xâm thực”, việc chung tay giữ cho đại dương xanh, sạch càng cấp bách và có ý nghĩa thiết thực. Chống rác thải ra biển, chung tay bảo vệ đại dương, chính là hành động tạo ra “không gian sinh tồn” bền vững cho con người trong việc tận dụng tài nguyên và phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước cho hôm nay và mai sau.

Bài 1: Mầm xanh diệu kỳ giữa

“quần đảo bão tố”

Trường Sa được coi là “quần đảo bão tố” bởi khí hậu khắc nghiệt và thường xuyên “hứng” chịu những “cơn thịnh nộ” của biển khơi. “Bão tố, nắng cháy da người” là “đặc trưng” ở “dải biển” tận cùng đất Việt này. Vậy mà dưới bàn tay của cán bộ, chiến sĩ (CBCS), những mầm xanh “đội sỏi” chui lên một cách diệu kỳ.

Nghe cựu binh kể chuyện mầm xanh

Sau hơn hai giờ bay từ TP. Hồ Chí Minh đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng), tôi bắt xe khách đến Quảng Ninh để gặp cựu binh Phạm Văn Minh - một trong những sĩ quan có mặt tại Trường Sa những ngày tháng 4/1975.

anh-2-3-.jpg

Quảng Ninh những ngày đầu tháng 8, dẫu đã chớm mùa thu vậy mà cái nắng muốn “rám da, rám thịt”. Chẳng khó khăn mấy, ngôi nhà nhỏ của cựu binh Trường Sa hiện trước mặt tôi. Ông Minh hớn hở bảo “Từ ngày gặp chú đi Trường Sa 2011 đến nay giờ mới gặp lại. Trái đất này còn nhỏ lắm, chỉ có tình người, tình cảm người lính là rộng bao la như đảo Trường Sa”. Ông Minh bắt tay tôi thân mật và xúc động.

Vừa pha trà, ông Minh vừa nói: “Trường Sa những ngày đầu giải phóng toàn sỏi, cát nóng và khói súng. Cả đảo trơ trọi. Những tấm ghi của địch còn sót lại cạnh những ụ súng, lô cốt như không có sự sống. Bộ đội lúc đó ăn lương khô nhiều hơn gạo. Chất xơ là rau muống khô tàu chở ra từ đất liền chứ làm gì có rau xanh như bây giờ”- ông Minh bắt đầu câu chuyện khi tôi hỏi “chuyện trồng rau xanh ở Trường Sa ngày đầu giải phóng ông còn nhớ không”? Nhấp ngụm nước trà đặc, ông Minh nhìn ra khoảng trống sân vườn - nơi có những chậu rau nhỏ. Ký ức “rau xanh trên sỏi đá” ùa về trong ông.

Năm 1976, ông Minh đeo hàm thiếu úy nhận nhiệm vụ đi Trường Sa Lớn. Không thể nói hết những gian khổ khó khăn ngày ấy khi cả đảo chỉ có 1 téc nước ngọt nhỏ cho 40 cán bộ chiến sỹ dùng trong 2 tháng. Không một cọng rau xanh. Mặt đảo nắng như đổ lửa. Làm cách nào để sinh tồn trong điều kiện “khốc liệt” ấy?. “Nước ngọt chỉ dùng cho nấu cơm, rửa mặt thôi, còn bộ đội 100% tắm bằng nước biển.

Không rau xanh, anh em lâu ngày đi kiết lỵ, đau bóp bụng. Bài toán là trồng rau xanh, nhưng trồng cách nào khi phương tiện vận chuyển tàu thuyền lúc đó khó khăn lắm. Vài tháng mới có tàu thay trực một lần. Phần nhiều vì điều kiện vận tải khó khăn, phần vì lúc đó lực lượng hải quân còn mỏng. Việc đi Trường Sa ngày ấy không hẹn ngày về. Cái cảm giác đi Trường Sa khác gì chiến trận”- ông Minh phân trần. Một đêm sau ca gác, Trường Sa nóng bức chưa từng có. Bầy chó gầm gừ sủa nơi triền đảo. Nêu cao tinh thần cảnh giác, ông Minh cùng 3 chiến sĩ nằm úp xuống mặt đảo quan sát. Một vật lạ màu đen trôi vào mép đảo.

Quan sát kỹ, đó là quả dừa nguyên vỏ và một thân cây già. “Quả dừa này có thể mọc mầm không?” – ông Minh nghĩ trong đầu rồi đưa về để cạnh téc nước ngọt. Sớm mai thức dậy, ông thấy quả dừa khô nhú mầm trắng. “Lúc đó thực tình tôi mừng lắm. Tôi nghĩ, ở nơi có khí hậu khắc nghiệt này mà dừa nảy mầm thì chắc chắn sẽ trồng được rau xanh. Tôi nâng niu quả dừa như người bạn thân. Sáng nào tôi cũng để dành ca nước ngọt để tưới lên mầm dừa rồi đặt vào cát ẩm”- ông Minh nhớ lại.

Một tuần trôi qua, mầm quả dừa mọc được vài cm, ông Minh càng hi vọng. Như một phép nhiệm màu, mặc cho nắng gió khắc nghiệt, mặc dù chỉ những giọt nước hiếm hoi dư thừa từ rửa mặt, đánh răng, cây dừa hình thành rồi vươn tốt trong nắng gió. “Nhìn cây dừa “đội nắng” chui lên, chúng tôi rất mừng lắm. Việc ươm mầm dừa thành cây ở nơi khí hậu khắc nghiệt không chỉ là tín hiệu “rau xanh hoàn toàn có thể trồng được ở Trường Sa”; mà còn khẳng định việc sinh tồn của bộ đội hải quân trên đảo, biết khắc phục khó khăn làm chủ cuộc sống ở nơi đầu sóng ngọn gió”- ông Minh chia sẻ.

Giọt nước, giọt vàng

Việc bộ đội đảo Trường Sa Lớn ươm thành công mầm dừa được báo cáo về trong đất liền. Bài toán đặt ra cho lãnh đạo Vùng 4 Hải quân lúc đó là phải trồng bằng được rau xanh trên sỏi đá Trường Sa. Ngay sau đó, chiến dịch “Rau xanh trên sóng” được triển khai nhanh chóng đến các đảo nổi, đảo chìm trong quần đảo và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ chiến sỹ.

anh-1-1-.jpg
Đảo Trường Sa lớn nhìn từ trực thăng EC-225. ảnh: Lê Văn Hùng

Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lần đầu tiên tàu Đại Khánh chở theo nhiều vật dụng cấp thiết và gần 30 khối nước ngọt ra Trường Sa. Trên con tàu thân thương ấy, có 70 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân và không thể thiếu đất đỏ ba-zan, hạt rau giống như muống, cải, mồng tơi. Cựu binh - Trung tá Nguyễn Viết Chức nguyên là chiến sĩ quản lý trên tàu Đại Khánh ngày ấy bồi hồi nhớ lại: “Nhiệm vụ trồng rau xanh cải thiện đời sống bộ đội lúc đó quan trọng không kém các nhiệm vụ khác”.

Trồng được rau xanh rồi, nhưng nước ngọt đâu để tưới? Trong 30 khối nước ngọt không phải dùng cho tưới rau xanh. Khi đó, Thuyền trưởng - Đại úy Lê Nhật Cát đã phát động phong trào tiết kiệm nước ngọt: “Giữa biển khơi, mỗi giọt nước quí như giọt vàng, vì vậy các đồng chí phải hết sức tiết kiệm. Giao cho mỗi cá nhân mỗi người một lít một ngày cho đánh răng, rửa mặt”- Trung tá Nguyễn Viết Chức, hồi tưởng. Với chiếc cà-mè của Liên Xô chừng một lít nước, chiếc khăn mặt bộ đội thấm cũng vơi hơn phân nửa, phần còn lại dung đánh răng.

Nhiều chiến sĩ không đánh răng, không gội đầu, răng xỉn màu vàng ố, tóc bết cứng như rễ tre. Có khi 2 người rửa chung một chiếc khăn mặt, tiết kiệm phần nước của mình cho đồng đội lau người. Những chiến sĩ say sóng nôn mửa, được ưu tiên thêm một cà-mèn để súc miệng nhiều lần. Sau 4 ngày vượt sóng gió, tàu Đại Khánh neo phía Tây Trường Sa Lớn. Gần 30 khối nước ngọt nhanh chóng ruôn vào can nhựa chuyển vào đảo. Ngày ấy chưa có xuồng máy như bây giờ nên nước ngọt trong can được buộc vào dây thừng, thả xuống biển để bộ đội kéo vào đảo.

Ở đảo chìm dựng nhà cao cẳng, từng can nước ngọt được xếp quanh nhà. Đảo nổi nước ngọt được đổ vào téc nhôm cũ, can nhựa gửi lại tàu, đem về đất liền để đựng nước ngọt, cho chuyến mới.

Trong khi các chiến sĩ làm nhiệm vụ kiến thiết đảo hàng ngày hàng giờ đối mặt với bao khó khăn gian khổ, thì cán bộ chiến sĩ trên tàu Đại Khánh cũng bước vào “cuộc chiến đấu mới”- “cuộc chiến đấu” thiếu nước ngọt. Ngày tàu Đại Khánh hành quân về đất liền cũng là lúc nước ngọt cạn kiệt. Tất cả cán bộ chiến sĩ trên tàu đều thực hiện “3 không”. “Không tắm, không giặt, không lau”.

Hầm nước ngọt dự trữ còn hơn gang tay, nhưng đục ngầu và nhiễm gỉ sét vì tàu tròng trành lắc mạnh do sóng gió. Buổi sáng, mỗi người chỉ một ca nhỏ để súc miệng, không rửa mặt bằng khăn mà dùng tay. Để có nước nấu cơm, các chiến sĩ phải múc nước dằn (nước gỉ sét dưới đáy tàu), lấy áo lót làm tấm lọc để lọc nước.

Chiều, anh em ra mũi tàu tắm gió, người nọ kỳ lưng cho người kia, gét bong ra như vỏ khoai lang. Trung tá Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Đi Trường Sa ngày ấy xác định là hi sinh không hẹn ngày về nhưng chúng tôi rất hăng hái. Hành trình trong điều kiện sóng gió, bí mật, lại phải ăn uống kham khổ, nhưng không ai phai nhạt ý chí. Không chỉ tàu Đại Khánh, mà sau này những tàu khác chở vật liệu, nước ngọt ra đảo vẫn phải gạn nước dằn để ăn uống. Hải trình của tàu Đại Khánh ngày ấy đã trở thành hải trình độc nhất vô nhị, đó cũng là thắng lợi đầu tiên để các tàu khác sau này noi theo”.

Mai Thắng -

Số 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11, TP. Vũng Tàu

Bài 2: Khơi dòng nước ngọt từ lòng đại dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ xanh “quần đảo bão tố ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO