Giữ rừng Mường La

23/05/2018 19:09

(TN&MT) - Là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 5 của tỉnh Sơn La vừa được thành lập năm 2016, rừng Mường La đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực như Thủy điện Sơn La, Nậm Chiến...; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho khu vực như điều hòa khí hậu, giảm thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường và giảm xói mòn đất.

a1 16
Qua tuần tra rừng, đã ghi nhận hoạt động của loài Vượn đen tuyền tại 5 khu vực thuộc Khu bảo tồn.

Tính đa dạng sinh học cao

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (KBTTN) nằm trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Hua Trai, Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Từ trung tâm huyện Mường La lên tới phạm vi khu bảo tồn khoảng 20km, song đường đi khá gập ghềnh, bởi con đường này đã bị trận mưa lũ tháng 8/2017 phá hủy hoàn toàn.

Ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường La thông tin: KBTTN Mường La được tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án xác lập ngày 30/6/2015. Đến tháng 3/2016, Ban quản lý Khu bảo tồn chính thức được thành lập. Tổng diện tích khu bảo tồn là hơn 15.800ha, gồm hơn 8.000ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 7.728ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái và 31ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính.

Theo kết quả khảo sát ban đầu, KBTTN Mường La có hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, hệ thực vật đã thống kê được 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt một số loài có giá trị bảo tồn cao như Pơ mu, Du sam, Thông đỏ, Lan kim tuyến…

Qua tuần tra rừng, đã ghi nhận hoạt động của loài Vượn đen tuyền tại 5 khu vực thuộc Khu bảo tồn.

Hệ động vật thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp Thú, Chim, Bò Sát, Lưỡng cư. Đặc biệt có loài Niệc cổ Hung, Vượn đen tuyền rất quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Riêng loài Vượn đen tuyền chỉ còn gần 100 cá thể tại Việt Nam và đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.

Để giữ gìn tính đa dạng sinh học tại đây, kiểm lâm viên Khu bảo tồn thường xuyên phối hợp với Tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế FFI tuần tra rừng, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài động thực vật hoang dã. Qua đó, đã ghi nhận hoạt động của loài Vượn đen tuyền tại 5 khu vực Hua Kẻ, Hua Khoa, Hua Sâng, Huổi Lát, đỉnh Tà Xùa.

Hiện Ban quản lý KBTTN Mường La đang nghiên cứu, tìm hiểu các loài thực vật là thức ăn chủ yếu của loài Vượn đen tuyền để bảo tồn và phát triển, đảm bảo nguồn thức ăn cho loài Vượn quý hiếm này. Bên cạnh đó, tháng 6/2017, trong quá trình tuần tra rừng, có phát hiện một loài Cá cóc nghi là loài mới, tại tiểu khu 102, khoảnh 2a, 2b thuộc xã Nặm Păm huyện Mường La.

Kiểm lâm BQL KBTTN Mường La tuần tra bảo vệ rừng
Kiểm lâm BQL KBTTN Mường La tuần tra bảo vệ rừng

Cần thêm nguồn lực đầu tư bảo vệ rừng

Song song với công tác tuần tra, giám sát đa dạng sinh học, công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Các kiểm lâm viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý  lâm sản trên địa bàn 3 xã. Kết quả, từ năm 2017 tới nay, đã tổ chức được 31 hội nghị tuyên truyền tại các bản, với gần 2.000 lượt người nghe, quán triệt, ký cam kết Bảo vệ rừng, thực hiện quy định an toàn về PCCCR. Nội dung tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú, liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; danh mục quản lý thực vật, động vật nguy cấm, quý hiếm nghiêm cấm săn, bắt, nuôi nhốt; hướng dẫn người dân quy trình đốt nương an toàn…

Công tác tuần tra bảo vệ rừng, được thường xuyên tiến hành, phối hợp với Tổ tuần rừng của Tổ chức FFI. Hướng dẫn, chỉ đạo các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản thường xuyên tuần tra, kiểm tra các điểm nóng về khai thác lam sản, phá rừng làm nương. Qua đó, từ năm 2017 tới nay, đã phát hiện 03 vụ phá rừng tại bản Pá Han, Pá Múa (xã Hua Trai); tạm thu giữ 02 súng kíp, 01 túi đựng thuốc súng, đạn và kíp nổ, 16 bẫy thú rừng bán nguyệt, 03 máy cưa. Phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số I thuộc Chi cục Kiểm lâm thu giữ 0,73 m3 gỗ xẻ Pơ Mu nhóm IIA tại bản Phiêng Ái, xã Ngọc Chiến.

Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hầu như chưa được đầu tư…
Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hầu như chưa được đầu tư… 

Riêng các tháng cao điểm mùa khô, 100% kiểm lâm địa bàn đã bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình diễn biến rừng, trực cháy 24/24 giờ, giám sát người và phương tiện ra vào rừng những ngày có nguy cơ cháy cao.  Nhờ đó, 2 năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Song, do là đơn vị mới thành lập, trong khi diện tích rừng thuộc khu bảo tồn rộng, địa hình dốc, chia cắt, giáp ranh với 2 xã Chế Tạo, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nên công tác kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến Khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng như hệ thống đường tuần tra bảo vệ rừng; hệ thống đường băng cản lửa; mốc ranh giới phân định giữa khu rừng đặc dụng trên bản đồ và thực địa chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống biển báo, bảng quy ước, biển cảnh báo PCCCR; hệ thống thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, PCCR rừng như: Máy GPS, máy tính, dụng cụ PCCCR hầu như chưa được đầu tư…

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh đó, trên địa bàn có 4 dân tộc anh em cùng chung sống, là đồng bào Mông, Thái, La Ha, Kháng. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng và thu nhập chủ yếu từ những sản phẩm của rừng. Việc gia tăng dân số cơ học do tái định cư các công trình thủy điện, đã làm thiếu đất sản xuất nông nghiệp nên người dân tác động vào rừng ngày càng gia tăng. Trong khi, chính quyền các xã trong Khu bảo tồn chưa chủ động phối hợp với ban quản lý để triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm giáp ranh với huyện Mù Căng Chải nên tình trạng lén lút khai thác lâm sản vẫn còn xảy ra.

Trong thời gian tới, Ban quản lý KBTTN Mường La đề nghị tỉnh Sơn La, các sở, ngành sớm quan tâm, đầu tư trang thiết bị cho đơn vị để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, Ban quản lý Khu bảo tồn sẽ tập trung thu hút chương trình, dự án đầu tư để xây dựng một số mô hình nâng cao sinh kế cho người dân; đồng thời, sử dụng hiệu quả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định, bền vững.

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ rừng Mường La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO