Từ khi thực hiện chính sách đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chi tổng là: 668.335.600.923 đồng tiền DVMTR. Đơn giá chi trả cho DVMTR ngày càng tăng theo các năm, năm 2017 là: 558.393 đồng/ha đến năm 2018 đơn giá tăng lên là 777.876 đồng/ha. Nhờ vậy mà tổng diện tích rừng được bảo vệ được tăng lên, người dân cũng phấn khởi khi được hưởng tiền từ chính sách góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đối với môi trường rừng và cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, số vụ vi phạm lâm luật, phá rừng, xâm chiếm rừng trái phép và cháy rừng có xu hướng giảm đi, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các khu vực sử dụng DVMTR.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang, huyện Mường Chà chia sẻ: Trước kia, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng để làm nương rẫy… Đến khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân được hưởng tiền từ chính sách nên ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cao, các vụ cháy rừng, phá rừng đã giảm rõ rệt. Người dân đã thành lập các tổ đội bảo vệ rừng để tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng. Khi cháy rừng xảy ra, chủ động huy động người dân trong thôn, bản đi dập lửa và báo cáo lên chính quyền xã để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết vụ việc.
Phấn khởi khi số tiền chi trả DVMTR tăng cao, ông Vàng A Lanh, bản Lịch 1, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa: Năm nay, đơn giá chi trả DVMTR tăng, nên số tiền nhận được cũng nhiều hơn, số tiền này tôi dùng để mua sắm đồ dùng, dụng cụ cho gia đình và mua máy móc sản xuất nông nghiệp cải thiện đời sống gia đình. Nhờ có chính sách mà đời sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn, cũng như ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công tác bảo vệ rừng.
Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, các hộ gia đình có thêm thu nhập để trang trải, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân đã trích một phần số tiền hưởng chi trả DVMTR để bổ sung thêm nguồn tài chính cho địa phương làm các công trình phúc lợi như: Sửa chữa nhà văn hóa; làm đường giao thông nông thôn; các công trình trong xây dựng nông thôn mới...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Khánh, Quyền Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, cho biết: Tại những khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phòng chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép... Tính đến ngày 15/12/2018, trên địa bàn huyện phát hiện và xử lý 72 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm 18 vụ so với cùng kỳ 2017.
Nhờ tập trung bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển khoanh nuôi tái sinh rừng, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và chi trả DVMTR, tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Điện Biên cuối năm 2018 ước đạt 39,74%, tăng 1,34% so với năm 2015.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn.