Xã hội

Giữ mãi màu xanh
trên Tây Nguyên đại ngàn

Phạm Hoài - Ngọc Vân 08/02/2024 - 22:39

“Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh...”

thi-truong-bat-dong-san-dat-xanh-tay-nguyen-1.jpg

Đây là những ca từ rất mộc mạc và gần gũi nhưng toát lên được những hình ảnh về một Tây Nguyên hết sức chân thực và oai hùng qua các thời kỳ lịch sử. Tây Nguyên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” và giữ vai trò “lá phổi xanh” cho cả vùng cũng như khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về “kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại” Tây Nguyên cần được mở hướng phát triển toàn diện với một tầm nhìn dài hạn để trở thành vùng kinh tế xanh - hài hòa - bền vững.

anh-1-bai-1.jpg

Phát triển theo hướng thuận thiên

Tây Nguyên không chỉ là “phên dậu” quốc gia mà còn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nằm ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng Duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Xác định được điều đó, các địa phương trong khu vực đang từng bước xây dựng và phát triển Tây Nguyên theo hướng thuận thiên “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

Vượt thách thức

Thời gian qua, vùng Tây Nguyên đã phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và các áp lực từ hoạt động kinh tế - xã hội của nội vùng. Toàn vùng có khoảng 1,8 triệu ha đất đang bị suy thoái, giảm chức năng sản xuất. Nguồn lực đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm; tình trạng đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất tiếp tục phát sinh. Bên cạnh đó, Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của các con sông lớn chảy xuống đồng bằng ven biển miền Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia như sông Mê Kông, sông Đồng Nai, sông Ba, sông SêSan, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc với trữ năng thủy điện chiếm 21% cả nước (chỉ sau vùng Tây Bắc). Tuy nhiên, nguồn nước đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tác động tiêu cực đến đời sống của hàng triệu người dân vùng đất đầy nắng gió này.

thanh0310-231424031427-du-lich-tay-nguyen-mua-mua-01.png

Trước những thách thức và khó khăn đang phải đối mặt, Nghị quyết 23 được ban hành đã tạo ra một cơ hội phát triển rất lớn đối với Tây Nguyên . Trong đó, chú trọng việc liên kết giữa các địa phương để cùng phát huy những lợi thế nhằm hướng nền kinh tế phát triển bền vững và tuần hoàn theo hướng thuận thiên. Điển hình, những năm gần đây, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ ở lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và trong tương lai là điện sinh khối, điện mặt trời nổi. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, Gia Lai có 4 dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 138MW và tổng vốn 3.500 tỷ đồng; 17 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 41.253 tỷ đồng, tổng công suất 1.242MW; 1 dự án điện mặt trời nổi và một số dự án nhà máy điện sinh khối. Những kết quả bước đầu mà Gia Lai đạt được trong thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo tiền đề để tỉnh phát huy lợi thế, phù hợp với chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng thuận thiên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

09-9483.jpeg

Tương tự, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hiện tỉnh có 2 khu công nghiệp với diện tích hơn 657ha, trong đó, Khu công nghiệp Hòa Phú đi vào hoạt động, thu hút 54 dự án đầu tư với nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng. Có 8 cụm công nghiệp đang hoạt động với 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với số vốn 6.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh còn có 19 công trình thủy điện với tổng công suất 825MW; 10 dự án điện năng lượng mặt trời và các dự án điện năng lượng gió với công suất hàng nghìn MW đã đi vào hoạt động. Hiện tại, chủ trương và quan điểm của tỉnh là tất cả các hoạt động về công nghiệp hay nông nghiệp đều được giám sát chặt chẽ về công tác môi trường và đang hướng nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Tại một số địa phương, công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng triển khai và giám sát chặt chẽ với mục đích phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường. Cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang nỗ lực trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tập trung phát triển theo hướng xanh, sinh thái, gắn liền với bản sắc vùng Tây Nguyên và không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Theo ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Buôn Mê Thuột, cả hệ thống chính trị của thành phố vẫn đang nỗ lực triển khai Kết luận 67 của Bộ Chính trị để xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Cũng theo ông Hưng, để có được thành quả này là do sự đồng bộ trong việc quản lý theo quy hoạch (đầu tư trồng cây xanh, phát triển rừng...) một cách bài bản, theo chiến lược được đề ra. UBND thành phố tuân thủ việc giữ nguyên mật độ cây xanh hiện có trong đô thị, không để suy giảm, đảm bảo bản sắc của vùng Tây Nguyên gắn chặt với thương hiệu thành phố cà phê thế giới. “Chúng tôi xác định không đánh đổi môi trường, màu xanh để phát triển kinh tế và kể cả khi mở rộng không gian đô thị thì mật độ cây xanh cũng không thay đổi. Hiện, mật độ cây xanh toàn thành phố đang ở mức 18m2/người, còn mật độ cây xanh vùng nội thị khoảng 9m2/người - tỉ lệ cao nhất trong các đô thị lớn trong cả nước. Tuy nhiên, để xanh, sạch, đẹp thì vẫn chưa đủ, thành phố định hướng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên còn phải thông minh, năng động để hội nhập. Chúng tôi đang tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh”, ông Hưng khẳng định.

Tạo liên kết vùng

So với thời điểm trước, những năm gần đây, nền kinh tế của vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực và đang đi theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để xây dựng được một nền kinh tế vững mạnh và tiên tiến thì việc liên kết vùng và chọn lựa thế mạnh của địa phương là điều rất quan trọng và cần được triển khai. Theo ông Trần Đức Quận - Bí Thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhằm cụ thể hóa quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết vùng, nội vùng, lấy phát triển hạ tầng giao thông làm động lực cho phát triển vùng, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng, quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026 như: Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đề ra quan điểm phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn mới, đó là: Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp khai thác; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Hiện tại, ở các tỉnh như Kon Tum, Đắk Nông đang từng bước triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình liên kết sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao. Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh xác định việc đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Lấy phát triển nông - lâm - nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng và giá trị cao; du lịch đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế cũng là vấn đề trọng tâm.

Phạm Hoài

anh-2-bai-2.jpg

Giữ rừng cho đến ngày rừng đền ơn

Rừng vây bọc lấy con người, đi vào tận sâu thẳm tâm hồn người. Rừng là nơi khơi nguồn và cất giữ tâm linh, rừng mang bóng dáng của tổ tiên. Rừng giúp bao người có được cuộc sống ổn định hơn và trong tương lai không xa, khi hành lang pháp lý về giá trị của tín chỉ các-bon được chấp thuận và cụ thể hóa bằng giá bán thì những cánh rừng ở Tây Nguyên sẽ mang lại một nguồn lợi kinh tế rất lớn, giúp đời sống của những người đã cùng ăn, cùng ngủ với rừng ngày nào sẽ bước sang một trang mới.

Tiềm năng từ tín chỉ các-bon

Tây Nguyên có khoảng 2,5 triệu ha rừng, (chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước). Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng; độ che phủ rừng bình quân là 46,19%. Với diện tích rừng hiện có, Tây Nguyên được đánh giá là nguồn hấp thụ và tích lũy các-bon để hình thành khối lượng lớn tín chỉ các-bon có thể mua bán, tạo ra tiềm năng kinh tế cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đang quản lý hơn 27.200ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng lá rộng thường xanh ở các trạng thái khác nhau. Với diện tích và hiện trạng hiện có, rừng do Công ty Nam Tây Nguyên quản lý được đánh giá là đang phục hồi, phát triển sau khai thác và tích lũy một lượng các-bon lớn hàng năm, vì vậy, dự báo sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương mại tín chỉ các-bon rừng trong tương lai gần. Ông Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên cho biết, diện tích rừng đơn vị đang quản lý bao gồm nhiều trạng thái đang phục hồi, được đánh giá có khả năng tích lũy các-bon cao để hình thành tín chỉ các-bon.

images1151561_p1050050.jpg

Là đơn vị quản lý rừng tại tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, ông cũng đang tìm hiểu các thủ tục pháp lý để lên kế hoạch xây dựng tín chỉ các-bon từ rừng. Theo ông Linh, hiện đơn vị đang quản lý 115.000ha rừng đặc dụng, chủ yếu là rừng khộp với tốc độ tái sinh, sinh trưởng nhanh, là tiềm năng lớn trong hình thành khối lượng tín chỉ các-bon. “Việc xây dựng tín chỉ các-bon là nhu cầu tất yếu cho các đơn vị lâm nghiệp trong tương lai. Bởi nguồn lợi mà tín chỉ các-bon mang lại sẽ phần nào giải quyết bài toán kinh tế cho các đơn vị lâm nghiệp, nâng cao đời sống của những người giữ rừng”, ông Linh nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong quá trình xây dựng tín chỉ các-bon, tỉnh đã triển khai nhiều vấn đề mang tính chất định hướng. Trước mắt, tỉnh xây dựng phương án quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Tiếp đó, tỉnh đang triển khai việc phát triển các loại cây rừng mang lại kết quả về tín chỉ

các-bon. Đây là những loại cây trồng đa mục đích, được công nhận hiệu quả về kinh tế và tăng độ che phủ. “Chúng tôi đang bám sát Nghị quyết của Trung ương, cơ chế chính sách hiện tại để xây dựng điểm vấn đề tín chỉ các-bon. Tỉnh đang đồng bộ việc phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu gắn với dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tín chỉ các-bon và bán trên thị trường trong tương lai”. Ông Yên chia sẻ thêm.

Theo đánh giá của GS Bảo Huy - chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên và môi trường rừng, thị trường tín chỉ các-bon rừng còn chưa phổ biến ở Việt Nam, chỉ có vài dự án đang thực hiện nhưng cũng chưa thực sự tạo thị trường mua bán. Trong khi đó, các thị trường các-bon ở nước ngoài đã hình thành từ lâu, các lĩnh vực, ngành, nhà máy phát thải khí CO2 trên hạn ngạch phải mua tín chỉ các-bon vượt hạn ngạch. “Mỗi tín chỉ các-bon rừng đại diện cho việc giảm hoặc loại bỏ 1 tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác (CO2e), tùy theo đặc thù từng kiểu rừng, trạng thái mà có khả năng tích lũy carbon khác nhau. Rừng Tây Nguyên hiện nay được đánh giá sẽ tích lũy lượng lớn trữ lượng các-bon và dự đoán sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho chủ rừng nếu hình thành được tín chỉ các-bon và thương mại hóa”. GS Huy nói thêm.

Giữ rừng bằng cả tình yêu

Những năm qua, Tây Nguyên là một trong những vùng có diện tích rừng bị xâm chiếm và phá hủy tương đối lớn, trung bình mỗi năm, vùng Tây Nguyên suy giảm hằng chục nghìn hécta rừng. Trước thực trạng đó, các địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để từ bảo vệ cho đến trồng mới qua các năm với hy vọng dần bù đắp phần nào diện tích rừng bị phá. Trong đó, chủ trương thực hiện giao khoán cho người dân bản địa cùng đồng hành để chăm sóc, bảo vệ đang mang lại hiệu quả tốt.

Cụ thể, Vườn Quốc gia Tà Đùng đang giao khoán bảo vệ hơn 3.000ha rừng cho 153 hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk Rmăng (Đắk Glong, Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ KNàng (Đam Rông, Lâm Đồng). Theo ông KThanh - một hộ dân được nhận giao khoán, từ nhiều năm nay, việc Vườn Quốc gia Tà Đùng giao cho các hộ dân là người đồng bào tại chỗ diện tích rừng để quản lý, bảo vệ đã mang lại rất nhiều nguồn lợi cho các hộ dân, góp phần giữ rừng hiệu quả hơn. “Từ muôn đời nay, người Mạ chúng tôi luôn ý thức việc giữ rừng là tâm nguyện của những người cha ông đi trước nên mỗi người luôn cố gắng giữ rừng để nhờ đó mà có cái ăn. Bây giờ, chúng tôi giữ rừng còn được Đảng, Nhà nước trả tiền để trang trải cuộc sống nữa nên rất vui”, ông KThanh chia sẻ.

vuon-quoc-gia-yokdon-diem-den-voi-nhung-trai-nghiem-kho-quen-04-1652222280.jpg

Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, những năm qua, những cánh rừng ở Tà Đùng giữ được màu xanh và xử lý được nhiều vụ vi phạm lâm luật là nhờ sự đóng góp rất lớn từ các hộ nhận giao khoán. “Ngoài công tác phối hợp trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được phát triển tốt thì lực lượng giao khoán cũng là đội ngũ rất tích cực trong công tác phát hiện các đối tượng lâm tặc để cùng Vườn Quốc gia phối hợp xử lý kịp thời” - ông Long chia sẻ.

Theo lãnh đạo một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, việc giao đất, giao rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đem lại thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng, từ đó tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng nên tình trạng vi phạm lâm luật trong những năm qua đang có chiều hướng giảm. Cùng với công tác giao đất giao rừng, việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững đã tác động tích cực đến ý thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngọc Vân

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ mãi màu xanh trên Tây Nguyên đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO