Giao đất, rừng phải gắn với quyền lợi người sử dụng

29/12/2015 00:00

(TN&MT) - Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trên thực tế công tác giao đất, giao rừng và các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc vẫn còn  chồng chéo, thiếu thực tế, làm giảm hiệu quả của hoạt động giao đất, giao rừng.

Đây là thực tế mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đề cập đến tại Hội thảo “Rà soát chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam – Thực trạng và những vấn đề đặt ra” vừa diễn ra tại Lạng Sơn.

Khó cấp Giấy chứng nhận đất rừng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các địa phương có rừng đã thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; cơ bản hoàn thành quy hoạch, giao đất, giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng cho hộ gia đình (trong đó, có hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)) và cộng đồng dân cư; xác định chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong kỳ kế hoạch 5 năm và hằng năm cho từng loại rừng. Kết quả đến nay đã giao được 11.661.597 ha, chiếm 84% diện tích rừng toàn quốc và chiếm 71,8% so với tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (16,24 triệu ha).

Giao đất, rừng và các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc vẫn chồng chéo. Ảnh: MH
Giao đất, rừng và các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc vẫn chồng chéo. Ảnh: MH

 Tuy số lượng đất rừng đã được giao với tỷ lệ lớn, song, trên thực tế, công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm. Một số địa phương đã giao đất, giao rừng xong theo các quy định trước đây, nhưng chưa tổ chức rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân nhưng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, quản lý, sử dụng trái pháp luật, chất lượng rừng, diện tích rừng tự nhiên tiếp tục có xu hướng giảm; quyền hưởng lợi từ nhận giao, khoán rừng tự nhiên của hộ gia đình chưa đem lại thu nhập đáng kể cho hộ gia đình.

Mặt khác, về công tác giao đất giao rừng cũng còn không ít khó khăn do lịch sử công tác giao đất giao rừng có liên quan đến đất đai để lại có quá nhiều phức tạp khó giải quyết, cần phải có sự đầu tư lớn và phải mất nhiều thời gian. Trong khi đó, công tác giám sát, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng rừng sau khi giao chưa được thường xuyên, thiếu kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là những sai phạm trong quản lý đất lâm nghiệp. Các chính sách hưởng lợi từ giao đất giao rừng còn nhiều bất cập, nhiều khi không thực hiện được. Ở một số địa phương một số hộ gia đình, cộng đồng được giao rừng tự nhiên nhưng không được hưởng nguồn lợi từ rừng (không có chi phí bảo vệ rừng như Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 về Tây Nguyên không duy trì chi trả gạo…), rừng được giao không phù hợp với tập quán của họ (quá xa nơi ở, không thuận tiện cho sản xuất), trong khi họ đang gặp khó khăn về đời sống trước mắt nên không quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, rừng bị chặt phá. Đây cũng là nguyên nhân người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa tích cực quản lý bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng được giao.

Cần gắn trách nhiệm – quyền lợi

Để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó hơn với công tác bảo vệ rừng sau khi được giao đất, giao rừng, theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần thiết phải ban hành mới và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, đồng thời, cụ thể hóa chính sách về cơ chế hưởng lợi từ việc khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng, các hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật về khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xác định giá trị sinh thái môi trường rừng. Đồng thời, phải  gắn quyền lợi và trách nhiệm của hộ dân vào việc bảo vệ rừng và nêu rõ cơ chế hỗ trợ cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng trồng và khai thác hợp pháp các lâm đặc sản rừng.

 Trong ngắn hạn, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở những địa phương còn bố trí được quỹ đất; bên cạnh việc hỗ trợ về đất đai, cần có sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong dài hạn, các chính sách hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất phải chuyển hoàn toàn sang các chính sách hỗ trợ về sinh kế, vì đất đai là nguồn tài nguyên có hạn, không thể đủ để hỗ trợ lâu dài được. Việc xây dựng các phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề sẽ giao cho các địa phương cho phù hợp với đặc điểm thực tế từng vùng và từng dân tộc.

Đặc biệt, để thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành đảm bảo ngân sách cho các chương trình dự án cần thiết trước tiên cho công tác rà soát quy hoạch và quy hoạch lại sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng và kinh phí cho quản lý bảo vệ rừng; đồng thời, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020. Chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, cần  xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn quốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai; chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung cao độ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về giao đất giao rừng.

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao đất, rừng phải gắn với quyền lợi người sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO