“Lợi nhuận thu được khiến các đối tượng khai thác cát trái phép, bất chấp quy định của pháp luật để hoạt động. Các đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép vào ban đêm, khai thác chớp nhoáng, di chuyển liên tục vị trí khai thác cát... Một số đối tượng còn thuê người canh gác ở gần khu vực khai thác và tại bến để xuồng của lực lượng Công an, hạt quản lý đê để thông báo cho các phương tiện dừng hoạt động khi phát hiện lực lượng chức năng” - Thượng tá Lê Minh Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Anh cho biết: Đến thời điểm này, đa số các chủ phương tiện khai thác cát là người Thanh Hà đã ngừng hoạt động khai thác, một số chủ phương tiện đã bán phương tiện hoặc chuyển đổi sang vận tải đường thủy. Tuy nhiên tại một số khu vực giáp ranh giữa Thanh Hà và Tứ Kỳ, Hải Phòng, TP Hải Dương một số đối tượng Thanh Hà tuy đã cam kết không khai thác nhưng vẫn tổ chức cho các chủ phương tiện khai thác cát là người huyện Tứ Kỳ, An Lão, Hải Phòng và Hợp tác xã Kim Lai lợi dụng khu vực giáp ranh để tiến hành khai thác cát trái phép.
Cũng bởi thế, việc đảm bảo bí mật trong quá trình làm nhiệm vụ rất quan trọng. 24/24h trong ngày trên tuyến sông Thái Bình giáp ranh 2 xã Thanh Hải và Phượng Hoàng, các lực lượng phối hợp lập chốt canh giữ. Đồng thời xây dựng phương án phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương và UBND các xã Thanh Hải, Phượng Hoàng, phân công cán bộ, chiến sỹ tham gia theo lịch cụ thể để tránh tình trạng trùng dẫm hoặc bỏ trống địa bàn.
Vừa chỉ tay vào những dấu đỏ được đánh dấu trên tấm bản đồ, anh Hoàn vừa nói với chúng tôi: Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 11 phương tiện còn khả năng khai thác cát trái phép (so với đầu năm giảm 4 phương tiện). Các phương tiện này chủ yếu là phương tiện nhỏ lén lút hoạt động khai thác cát trái phép tại các khu vực: sông Thái Bình đoạn địa phận xã Thanh Hải, xã Phượng Hoàng.
Một số phương tiện ở An Lão, Hải Phòng sang khai thác cát trái phép tại Thanh Cường, Vĩnh Lập. Trong trường hợp này, các đối tượng thường tiến hành khai thác vào ban đêm, rạng sáng, hoán cải phương tiện lắp thêm máy có công suất lớn, giảm tiếng ồn, thời gian khai thác chỉ 2 tiếng thậm chí 1 tiếng, vừa đi vừa hút.
Cá biệt, một số đối tượng cũng tính được thời gian của đoàn liên ngành từ khi phát hiện đến khi di chuyển tới nơi phải mất ít nhất 1h. Nên khi đến đối tượng đã khai thác xong, rút ống, nếu đuổi bắt được đối tượng thì cũng chỉ xử phạt được hành vi vận chuyển cát không rõ nguồn gốc. Có lần, chúng tôi cho xuồng lên ôtô bán tải nhưng khi đến nơi thì do di chuyển xuồng qua bãi mất nhiều thời gian nên đối tượng cũng đã kịp rút chạy.
Địa bàn nơi đối tượng khai thác cát trái phép cách xa trụ sở làm việc của Công an huyện nên khi có thông tin về việc khai thác cát trái phép lực lượng Công an dùng xuồng di chuyển tới nơi thì các đối tượng đã dừng việc khai thác cát và di chuyển phương tiện sang địa bàn giáp ranh do vậy gặp rất nhiều khó khăn cho việc xử lý về hành vi khai thác tài nguyên trái phép.
Song với những nỗ lực của trinh sát, từ ngày 16-4 đến ngày 15-6, Đoàn kiểm tra liên ngành và lực lượng Công an huyện Thanh Hà đã tổ chức khoảng 80 lượt tuần tra, kiểm soát phát hiện lập biên bản 42 vụ/42 phương tiện (gấp 6 lần chỉ tiêu được giao, tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định xử phạt tổng số tiền là 492 triệu đồng). Sau đợt cao điểm, từ ngày 16-6 đến nay, Công an huyện Thanh Hà và Đoàn liên ngành huyện đã phát hiện 12 vụ, xử phạt 246 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Hải Dương từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 306 trường hợp vị phạm, xử phạt 5,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy của Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 29 trường hợp, đề nghị xử phạt 1,5 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tàu cát trái phép, điển hình, trong đêm 13 và 14-4, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ hàng loạt tàu khai thác cát trái phép.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 2 nhóm đối tượng đều là người Hải Dương, có biểu kiện hoạt động khai thác cát trái phép, xảy ra trên địa bàn các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Hà. Công an huyện Kim Thành đã bắt giữ, xử lý 2 trường hợp quá tải trọng khi đang vận chuyển cát trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Bắt được “cát tặc” đã khó, xử lý được đối tượng còn khó khăn hơn. Khi bị phát hiện nhiều đối tượng chống đối quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn như không đưa tàu vào bờ, tiếp tục di chuyển, đưa lực lượng kiểm tra đi hàng chục cây số và có lời lẽ thách thức đe dọa; dọa đánh chìm tàu, bỏ tàu, không làm việc, mặc cho lực lượng chức năng phải canh giữ nhiều ngày…
Lực lượng phòng chống khai thác cát trái phép không có thiết bị chuyên dụng như máy quay, máy chụp ảnh ban đêm nên nếu không tiếp cận được ngay khai các đối tượng đang khai thác cát thì khó khăn trong việc xử lí các đối tượng về hành vi khai thác mà chỉ xử lí được về hành vi vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, chế tài xử lí về hành vi này còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
Cùng với việc tiếp tục tổ chức cam kết, tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các trường hợp khai thác cát trái phép, các chủ bến bãi vật liệu xây dựng ven các tuyến sông, Công an tỉnh Hải Dương đã phát huy vai trò của các tổ tự quản trong công tác phòng, chống khai thác cát trái phép.
Trong đó, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành tuyên truyền, vận động 926 trường hợp là các chủ bến bãi vật liệu xây dựng, chủ phương tiện và các thuyền viên trên các phương tiện thủy trên địa bàn.
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép.