“Giảm sốc” cho nông nghiệp trước biến đổi khí hậu

11/12/2018 10:45

(TN&MT) - Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, mọi cú sốc đối do biến đổi khí hậu gây ra đối với ngành nông nghiệp đều ảnh hưởng ngược lại đến toàn bộ nền kinh tế. Bởi vậy, cần có đầu tư và can thiệp chính sách liên quan đến ứng phó và phòng ngừa những tác động này cả trong ngắn hạn và dài hơi, bởi nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một trận El Nino khác vào mùa đông xuân năm 2018 - 2019.

image002
Ngành nông nghiệp Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với Elnino 2018 - 2019

EL Nino làm tăng 1,7 triệu người nghèo

Theo các chuyên gia của WB, Việt Nam có nhiều khả năng bị tác động bởi các cú sốc về khí hậu do ENSO. ENSO là các dao động về nhiệt độ đại dương và khí quyển gồm 2 pha: El Nino và La Nina, gây ra các tác động chính đối với các mô hình thời tiết trên toàn cầu. Tại Việt Nam, biểu hiện  rõ ràng nhất là El Nino làm giảm lượng mưa trong khi La Nina làm tăng mưa. Trong thực tế, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn đã gây tổn thương nặng nề nhất cho các khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và lưu vực sông Mê kông. Riêng đợt El Nino lịch sử năm 2014-2016, ngành nông nghiệp, thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng của VIệt Nam đã chịu tổng thiệt hại khoảng 3,6 triệu USD.

Nghiên cứu của WB khẳng định, một đợt El Nino cường độ mạnh có thể khiến các hộ cận nghèo giảm thu nhập và quay lại mức nghèo, làm tăng số hộ nghèo thêm 2%, tương đương khoảng 1,7 triệu người dân. Hiệu quả của các chế độ phúc lợi giảm do gia tăng bất ổn lương thực, suy dinh dưỡng và giảm tiêu dùng.  Bên cạnh đó, phụ nữ đặc biệt bị tổn thương bởi El Nino do đóng một vai trò trung tâm trong nông nghiệp Việt Nam. Những điều này chính là trở ngại cho các nỗ lực giảm nghèo hiện nay của Việt Nam.

Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ tổn thất khoảng 1,5% GDP toàn quốc sẽ tương đương với tổn thất 2,5 tỉ USD giá trị gia tăng. El Nino cường độ mạnh làm giảm GDP trong khi La Nina cường độ mạnh lại làm tăng GDP, nhưng vẫn không đủ bù đắp lại thiệt hại trước đó của El Nino. Cụ thể, tổn thất GDP cả nước trong suốt một kỳ El Nino là 2,5 tỉ USD so với 1,1 tỉ $ GDP tăng lên trong trong La Nina. Bởi vậy, WB khuyến nghị Việt Nam có thể đầu tư nhiều hơn các giải pháp phục hồi trong thời gian có La Nina.

Theo ông William R.Sutton, chuyên gia kinh tế trưởng về nông nghiệp Ngân hàng Thế giới – Trưởng nhóm nghiên cứu, nông nghiệp của Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 10% GDP ngành. Qua theo dõi đánh giá tổn thất về sản lượng hoa màu, WB nhận thấy, tùy theo loại hoa màu và khu vực canh tác, vùng trung du phía Bắc và hạ lưu sông Mê Kong là những nơi bị sụt giảm sản lượng nhiều nhất trong thời kỳ El Nino, trong khi miền Trung có sản lượng tăng nhiều nhất trong thời kỳ La Nina.

Tính đến cuối kỳ El Nino gần đây vào tháng 3/2016, sản lượng cá nội địa giảm 2,6% so với năm trước.  Các mô phỏng tính toán cũng ước tính El Nino làm giảm 2,6% về sản lượng thuỷ sản, bao gồm sản lượng đánh bắt và nuôi trồng. Không có bằng chứng cho thấy La Nina góp phần làm giảm sản lượng thuỷ sản nhưng vẫn làm tăng áp lực về đảm bảo sức khỏe vật nuôi do biến động thời tiết.

Cải thiện hành động ứng phó, phòng ngừa ENSO

Ông William R.Sutton cho rằng, chính phủ hiện có một hệ thống ứng phó thảm hoạ mặc dù các cơ chế để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu và ENSO vẫn chưa đủ mạnh. Các khuyến nghị của WB về tăng cường tính chống chịu của hệ thống nông nghiệp - thực phẩm tập trung vào 3 vấn đề: tăng cường can thiệp chính sách để giảm tác động của ENSO, giảm tổn thất về phúc lợi xã hội và cải thiện khả năng phòng ngừa và chống chịu các hiện tượng ENSO.

Nghiên cứu này đã mô phỏng 6 can thiệp chính sách, bao gồm: giới thiệu các giống hoa màu chịu hạn, mở rộng hệ thống tưới tiêu, áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo, dự trữ lương thực, thực hiện trợ cấp giá và áp dụng đồng thời tất cả các biện pháp chính sách này. Nhìn chung, ngay cả khi tất cả các can thiệp chính sách này được kết hợp lại và thực hiện đồng thời, thì vẫn còn một tổn thất đáng kể đối với GDP là 2,1 tỉ USD trong một kỳ El Nino cường độ mạnh. Việc trợ cấp giá có hiệu quả hơn trong việc giảm tổn thất về phúc lợi của các hộ gia đình hơn là giảm tổn thất GDP. Trong khi đó, chính sách cấm xuất khẩu gạo có thể bình ổn giá gạo trong nước và ổn định thị trường lương thực ở đô thị trước các cú sốc về nguồn cung, nhưng cũng làm giảm thu nhập của các hộ gia đình nông thôn và tác động tiêu cực đến các quốc gia láng giềng- nơi mà người dân cũng phụ thuộc vào các nguồn lương thực này.  Chính vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc áp dụng các biện pháp chính sách can thiệp khác nhau có thể giúp giảm thiểu tác động của El Nino ở nhiều cấp độ khác nhau.

Để cải thiện khả năng ứng phó, phòng ngừa ENSO, trước mắt, Việt Nam cần ưu tiên cao cho việc Chuẩn bị biện pháp ứng phó đối với các sự kiện biến đổi khí hậu liên quan đến ENSO, xác định các ưu tiên can thiệp và cải thiện khả năng dự phòng các thiên tai khởi phát chậm, xây dựng bản đồ nguy cơ và hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, có thể dự báo ENSO định kì 3 tháng. Việc hạn chế tác động của La Nina cần tập trung vào các biện pháp sử dụng nước, giảm tác động của lũ lụt ở những vùng có nguy cơ cao. Nâng cao năng lực điều phối của Chính phủ  và lồng ghéo tiếp cận vùng trong các giải pháp chống chịu.

Bên cạnh đó, cần có các can thiệp về dự phòng ENSO theo các thách thức cụ thể ở những vùng tổn thương cao, xác định ưu tiên chính sách đề mềm hóa biến động giá, dự trữ lương thực trước các sự kiện EL Nino và điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội phù hợp. Về lâu dài, cần đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo sớm hơn nữa và gắn kết chặt chẽ với hệ thống chia sẻ thông tin; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giảm sốc” cho nông nghiệp trước biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO