Giám sát quyền lực

Ngọc Lý| 04/12/2019 13:34

(TN&MT) - Những nổi cộm trong giải quyết các vấn đề về phòng chống tham nhũng thời gian qua đang gióng một hồi chuông về thực thi nhiệm vụ, giám sát quyền lực của cơ quan công quyền và chính quyền cơ sở. Một trong những bài học rút ra là công tác cán bộ cần phải làm triệt để hơn nữa, cần có một cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, nghiêm minh.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp, sau khi trao quyền cho một cá nhân, cấp trên của đơn vị đó không thường xuyên giám sát, để tự cá nhân đó giải quyết hết thảy mọi công việc; nghiêm trọng hơn là còn “bảo lãnh” cho cá nhân ấy tự tung tự tác.   

Và hậu quả là những sai phạm cứ nối tiếp từ nhỏ thành lớn. Nguy hại hơn, khi cán bộ mắc sai phạm không được xử lý, khi lên cao hơn sai phạm sẽ càng lớn hơn, gây hậu quả tai hại hơn.

Đánh giá về hạn chế trong báo cáo của Chính phủ mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết, hạn chế xảy ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, cần phải được đánh giá đúng để có giải pháp, lộ trình khắc phục triệt để. Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra như quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bị buông lỏng, cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức…

Ảnh minh họa

Từ đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp bám sát việc đánh giá tình hình tham nhũng thời gian qua nổi lên ở những lĩnh vực nào, cấp nào, ngành nào để có giải pháp tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm; cần đề ra kế hoạch, thời gian cụ thể trong giải quyết những hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm để xảy ra tồn tại, hạn chế, tránh tình trạng phương hướng nhiệm vụ chung chung.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có cả một quy trình hoàn chỉnh, để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhưng tại sao vẫn để lọt những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức vào bộ máy Nhà nước. Cơ chế có thể làm con người hoàn thiện nhưng cũng có thể làm hư hỏng con người. Một cán bộ được đặt đúng vị trí, được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức đảng và quần chúng sẽ phải luôn có ý thức rèn luyện, làm tốt công việc được giao. Cán bộ nhân thân tốt nhưng ngồi vào cái ghế không được giám sát, đến lúc nào đó cũng khó tránh được vòng xoáy cám dỗ: lạm quyền, trục lợi, sa đọa... Hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó, có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng thời gian qua là một con số đau lòng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc đến trong phát biểu Bế mạc Hội nghị Trung ương 11 vừa qua.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mà lòng tham của từng cá nhân “có đất” tung tác không hạn định; khi đó, cần có một hệ thống quyền lực, kinh tế, tôn giáo với giải pháp triệt để để kiểm soát bản tính tham lam của con người - nhưng điều này dường như chúng ta chưa thể “chạm tới”.

Thực ra, ở các trường hợp như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng… không phải chúng ta thiếu cơ chế giám sát mà cái chính là cơ chế giám sát được thực hiện rất hình thức, hời hợt. Khi mà quản lý cán bộ lỏng lẻo, quyền được trao quá lớn cho một vài cá nhân, dân chủ hình thức sẽ làm tê liệt ý thức đấu tranh, ý thức rèn luyện thường xuyên từ mỗi cá nhân trong tập thể ấy và chắc chắn sẽ còn làm nảy sinh những ung nhọt nhức nhối.

Cũng vậy, trong một hệ thống chính trị không hoàn hảo, lòng tham của những nhóm lợi ích sẽ dẫn đến tình trạng quản lý Nhà nước bị lợi dụng cho mục đích cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát quyền lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO