(TN&MT) - Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nguồn nhiệt điện than ở Việt Nam đã và đang chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Ưu thế cơ bản của nhiệt điện đốt than là nguồn cung và giá than ổn định, rẻ hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ nào làm giảm thiểu tác hại của khí thải, chất thải sau hoạt động của nhà máy vẫn là câu hỏi cần tiếp tục tìm lời giải.
Đặc thù của các nhà máy nhiệt điện đốt than là sử dụng than làm nhiên liệu, cung cấp năng lượng nhiệt đầu vào cho quá trình chuyển hóa thành năng lượng điện tại đầu ra các máy phát điện. Các phản ứng hóa học của quá trình đốt cháy than trong buồng đốt lò hơi sẽ sinh ra một số chất khí gây ô nhiễm môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như: Ôxit ni-tơ (NOx), điôxit lưu huỳnh (SO2). Ngoài ra, các hạt tro xỉ than (dưới dạng bụi) bị cuốn theo khói thải phát tán ra ngoài cũng gây ô nhiễm bụi cho môi trường không khí xung quanh. Cùng với các dạng phát thải khác từ NMNĐ than (nước thải, tiếng ồn, tro xỉ), các phát thải gây ô nhiễm này cần thiết phải được giảm thiểu, kiểm soát và khống chế ở mức độ phù hợp để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của công nghiệp nhiệt điện đốt than nói riêng cũng như tổng thể ngành năng lượng nói chung.
Hiện nay, quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến khí thải từ NMNĐ đốt than tại Việt Nam được quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) do Bộ TN&MT ban hành, cụ thể như sau: QCVN 22:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện; QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Theo QCVN22, nồng độ tối đa cho phép của các chất ô nhiễm này trong khí thải NMNĐ được xác định tùy thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng, vị trí địa điểm nhà máy và quy mô công suất.
Để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, hầu hết, các NMNĐ than tại Việt Nam đều được trang bị các hệ thống xử lý khí thải. Song do đặc thù về chủng loại chất lượng than, mức độ sẵn có của các hóa chất khử cũng như chi phí đầu tư ban đầu và chi phí O&M của các hệ thống thiết bị, công nghệ phổ biến áp dụng tại các NMNĐ than ở Việt Nam như: Thiết bị khử bụi: kiểu tĩnh điện (ESP); Hệ thống khử SO2. Tuy vậy, các hệ thống này vẫn còn nhiều khiếm khuyết, vẫn có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Để tìm giải pháp xử lý triệt để các loại khí, chất thải ra trong hoạt động đốt than sinh nhiệt, mới đây, phương pháp hấp thụ bằng nước biển đã được áp dụng tại một số nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động. Đây là công nghệ khử SO2 hiện đại, mới được áp dụng ở một số dự án như: NMNĐ Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1. Công nghệ này sử dụng lượng nước biển làm mát từ các bình ngưng để hấp thụ và trung hoà SO2 trong khí thải lò hơi. SO2 khi hòa tan trong nước biển do tác dụng của ôxy trong không khí (quá trình oxy hóa nhờ sục khí) được chuyển hoá thành ion sunfat (SO42-). Ion sunfat vốn là một thành phần tự nhiên có sẵn trong nước biển, do đó quá trình khử trên không ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước biển, không gây ô nhiễm môi trường. Hiệu suất khử SOx của công nghệ này có thể lên tới trên 90% và không có sản phẩm phụ. Các số liệu vận hành ở các nhà máy nêu trên cho thấy hệ thống FGD nước biển đã đáp ứng các giá trị phát thải SO2 đầu ra theo như thiết kế.
Như vậy, các NMNĐ than mới đi vào hoạt động ở Việt Nam đều đã, đang áp dụng các thiết bị và công nghệ kiểm soát phải thải khí phù hợp, tiên tiến, có công nghệ an toàn, tin cậy, đã được kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện hành cũng như dự phòng cho khả năng quy định về phát thải chặt chẽ hơn nữa trong tương lai. Tuy vậy, để bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển nhiệt điện tha, cần liên tục áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu suất, giảm tiêu thụ nhiên liệu. Đây có thể coi là một trong những giải pháp có tính "căn cơ" đối với ngành nhiệt điện đốt than tại Việt Nam trong thời gian tới, khi ngày càng nhiều các nhà máy mới có quy mô công suất lớn, sử dụng than bitum - á bitum nhập khẩu sẽ được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư công nghệ lò hơi thông số cao hơn (SC, USC) sẽ nâng cao đáng kể hiệu suất chu trình phát điện, đồng thời tiêu thụ nhiên liệu than sẽ giảm tương ứng, dẫn đến giảm được cả phát thải khí (bụi, SO2, NOx, CO2) cũng như chất thải rắn (tro xỉ). Chuyển đổi nhiên liệu than sang loại chất lượng tốt hơn, hoặc xem xét áp dụng trộn than để nâng cao hiệu quả sản xuất điện.