Lỗ hổng chính sách
Hiện nay, tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi và trở thành vấn đề đáng lo ngại. Doanh nghiệp chỉ mất vài giây để sản xuất một cái túi ni lông, một vỏ chai nhựa, một ống hút nhựa; người dân sử dụng trong vài phút và bỏ đi trong tích tắc. Nhưng, rác nhựa lại mất đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí, hàng nghìn năm để phân hủy hoàn toàn.
Túi ni lông tràn lan các chợ dân sinh, các quán nước khách ngồi tại chỗ nhưng ly nhựa, ống hút nhựa thải ra mỗi ngày nhiều không đếm xuể. Chúng ta biết ni lông nguy hại thế nào với sức khỏe, chúng ta nghe nhiều về hạt vi chất nhựa xâm nhập cơ thể, chúng ta được cảnh báo thường xuyên về sự tấn công của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Nhưng, chính chúng ta vẫn còn thờ ơ với việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần.
Trong khi nhựa sử dụng một lần rất phổ biến, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn hạn chế càng khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn. Dù đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi phân hủy từ tinh bột, hoặc túi, ống hút, găng tay, cốc giấy phân hủy sinh học... nhưng còn rất hiếm.
Trái với mức độ tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, chất thải nhựa hiện đang được quản lý chung như các loại chất thải khác, chưa có quy định riêng về quản lý chất thải nhựa ngoại trừ một số quy định về thuế và ưu đãi thuế liên quan đến túi ni lông.
“Nhìn nhận một cách khách quan, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa tương xứng với mức độ tác động và hệ lụy của nó đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, cũng như sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội về vấn đề này”, ông Phan Tuấn Hùng nói.
Đánh thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm nhựa
Theo ông Phan Tuấn Hùng, việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật nhằm giảm thiểu và chống chất thải nhựa thời gian tới cần đẩy mạnh và phải sớm có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này.
Ở góc độ xây dựng chính sách, pháp luật về môi trường, việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa cần phải có cách tiếp cận quản lý theo vòng đời sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, tiêu dùng, thải bỏ, thu hồi, xử lý và tái chế chất thải nhựa. Cần sử dụng tổng hợp nhiều công cụ chính sách, kinh tế, kỹ thuật, quy chuẩn mang tính bắt buộc. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hoạt động tái chế nhựa thân thiện môi trường và nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với rác thải nhựa.
“Cụ thể ở đây về mặt quy định, quy chuẩn kỹ thuật cần được tính toán; có nghĩa là phải đưa ra được những giới hạn về hàm lượng nhựa, đối với túi ni lông phải có độ dày nhất định. Cùng với đó, cần đưa ra quy định về thuế, phí bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa nhằm hạn chế đồ dùng bằng nhựa, đặc biệt, nhựa sử dụng một lần”, ông Hùng lý giải.
Riêng công cụ kinh tế, hiện nay, Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đã đánh thuế đối với túi ni lông với mức cao nhất là 50.000 đồng/kg túi. “Tôi cho rằng, việc đánh thuế như vậy chưa thực sự hiệu quả; chưa tạo động lực để giảm việc sử dụng túi ni lông. Thực tế, đang có xu hướng làm mỏng các túi ni lông để được nhiều túi; như vậy, càng khó thu hồi, khó tái chế và tiếp tục thải ra môi trường ngày càng nhiều” - Vụ trưởng Phan Tuấn Hùng đánh giá.
Do vậy, ông Phan Tuấn Hùng cho rằng, chúng ta nên đánh thuế BVMT đối với túi ni lông dựa trên số lượng túi chứ không dựa trên trọng lượng như hiện nay, có như thế mới hy vọng hạn chế việc sử dụng túi ni lông tràn lan. Đặc biệt, phải quy định cụ thể đánh thuế với với loại túi ni lông có độ dày dưới 30 micromet; còn túi ni lông có độ dày từ 30 micromet trở lên có thể được miễn thuế hoặc giảm thuế.
Được biết, Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm quản lý rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển; cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển.
Trong khi chờ đồ nhựa phân hủy, chúng ta và con cháu phải sống cùng rác nhựa, ăn phải chất độc hại từ nhựa. Do vậy, cùng với chính sách, pháp luật nhằm giảm thiểu và chống chất thải nhựa; có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có động thái mạnh tay hơn để xử lý “đầu vào” - nguồn phát sinh rác thải nhựa.