Giám đốc WB tại VN đánh giá cao việc chuẩn bị của VN cho COP21

26/11/2015 00:00

  Ngày 24/11, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với bà...

 

Ngày 24/11, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Quản lý đất đai và Văn phòng Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm việc với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm việc với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới bà Victoria Kwakwa vì đã dành thời gian tới thăm và làm việc với Bộ TN&MT, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác tích cực của Ngân hàng thế giới đối với Bộ trong thời gian qua. Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Bộ đã xây dựng, trình ban hành được 5 bộ Luật quan trọng là Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Đất đai (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015) và Luật Khí tượng thủy văn (2015) vừa mới được Quốc hội thông qua chiều 23/11/2015; cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo nên một hệ thống pháp lý ngành tài nguyên và môi trường tương đối hoàn thiện.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm về các nội dung liên quan tới việc chuẩn bị tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu (COP21) tại Pháp; hợp tác trong Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); "Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công"; hợp tác trong hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”,…

"Hội nghị COP21 là sự kiện quan trọng của quá trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Phiên Cấp cao với sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia trong ngày khai mạc Hội nghị. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ chủ trì Đối thoại Cấp cao do đoàn Việt Nam tổ chức với chủ đề: Việt Nam chung tay với các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của BĐKH tại ĐBSCL. Đây là một sự kiện quan trọng, nhằm tập trung đề cập đến những thách thức của BĐKH với ĐBSCL; giới thiệu về những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được trong ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL với sự chung tay của các đối tác quốc tế, đồng thời kêu gọi sự tiếp tục và tăng cường hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên phải) phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên phải) phát biểu tại buổi làm việc

Cũng để chuẩn bị cho Hội nghị COP21, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); trong đó bao gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải KNK so với Kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Đối với Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng thế giới cử đại diện tham dự Hội thảo quốc tế để lấy ý kiến sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12 tới. "Tiếng nói của Ngân hàng thế giới - với tư cách là cơ quan phản biện sẽ cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các nước và các tổ chức liên quan - bảo đảm tính khoa học, khách quan và minh bạch của Nghiên cứu, cũng như nhận được sự đồng tình của các quốc gia trên dòng sông Mê Công và cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công". Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính quốc tế của Nghiên cứu, Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả và cũng đề nghị Ngân hàng thế giới quan tâm, cử đại diện tham dự với tư cách là thành viên của Hội đồng để bảo đảm tính khách quan của Nghiên cứu. "Các kết quả nghiên cứu sẽ được công khai, chuyển tới các các nước trong lưu vực sông Mê Công, Ban Thư ký của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác có quan tâm" - Bộ trưởng cho biết.

Đối với Chương trình SP-RCC, trong giai đoạn 2009 - 2015, cùng với sự đồng hành của đối tác phát triển như WB, JICA,.. Việt Nam đã nhận được sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự tài trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong hoạt động xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng lồng ghép yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Chương trình SP-RCC sau 2015 sẽ tập trung tăng cường và triển khai hành động chính sách giảm nhẹ BĐKH; tăng cường sự phân bổ và huy động nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng của đối thoại chính sách và khuyến khích hợp tác; thúc đẩy xây dựng cơ chế báo cáo và giám sát tiến độ thực hiện đối tác công - tư; đổi mới, tăng cường năng lực và quản lý kiến thức; và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong các hành động mang tính liên ngành, liên vùng. Do vậy sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có WB đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, lựa chọn các hoạt động ưu tiên cũng như triển khai Chương trình trong thực tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, bà Victoria Kwakwa cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã dành thời gian tiếp bà và chúc mừng Bộ TN&MT đã đạt được những kết quả nổi bật về quản lý TN&MT trong thời gian qua, đặc biệt đã xây dựng được một hệ thống chính sách pháp luật về TN&MT đầy đủ, nhất là mới được thông qua Luật Khí tượng thủy văn.

Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao việc chuẩn bị của Việt Nam cho COP21, đặc biệt là việc tổ chức Đối thoại cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chủ trì là một cách tiếp cận chiến lược và thông minh để đưa các thông điệp của Việt Nam, cũng như thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng thế giới ủng hộ và sẽ có đại diện lãnh đạo tham gia cùng Việt Nam. Bên cạnh đó, Bà cũng rất quan tâm tới những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu phát thải KNK; tiết kiệm năng lượng và tăng trưởng xanh. Bà cho rằng, đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn sự hỗ trợ trong công cuộc ứng phó với BĐKH.

Đánh giá cao Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, Bà Victoria Kwakwa ủng hộ việc cử đại diện tham gia Hội thảo quốc tế. "Với nghiên cứu quan trọng này, Việt Nam đã có nhiều bước tiến để đưa những vấn đề quan tâm của quốc gia đến được với quốc tế" - Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hai Bên cũng thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ hợp tác trong việc thực hiện Hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long"; Chương trình SP-RCC trong thời gian tới.

Theo Monre

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc WB tại VN đánh giá cao việc chuẩn bị của VN cho COP21
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO