Môi trường

Giải quyết thách thức về bình đẳng giới góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững

Khánh Ly 05/10/2023 - 17:03

(TN&MT) - Một nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Cơ quan Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Viện Lâm nghiệp Châu Âu phối hợp thực hiện vào năm 2023 cho thấy, phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền bền vững" ngày 6/10, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Với độ che phủ 42,02% tổng diện tích của đất nước, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Rừng còn là bể chứa carbon tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Ngành lâm nghiệp cũng là một ngành kinh tế kỹ thuật mang lại cơ hội việc làm cho người dân.

Nghiên cứu cho thấy, các biện pháp bảo vệ rừng hạn chế khả năng tiếp cận đến rừng và lâm sản ngoài gỗ của người dân có thể có tác động tiêu cực không nhỏ lên sinh kế của phụ nữ và cuộc sống của gia đình họ, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, các hộ gia đình nghèo và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ. Cần ưu tiên những nỗ lực nhằm thúc đẩy đảm đảm quyền sử dụng đất rừng cho phụ nữ.
Phụ nữ nông thôn thường bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ, có thể thấy điều này ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu Dịch vụ Môi trường Rừng (PFES). Việc tăng cường bình đẳng giới trong quyền sử dụng rừng có nghĩa là bảo vệ “quyền sở hữu” cũng nhằm giúp phụ nữ nông thôn đảm bảo thu nhập hay nuôi sống gia đình họ từ lâm sản ngoài gỗ.

Các thách thức liên quan đến bình đẳng giới còn tồn tại đối với nam giới trong ngành lâm nghiệp. Một số công việc trong ngành này thường do lao động nam đảm nhiệm, chẳng hạn như các nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sức lực. Tuy nhiên, do những công việc như vậy thường theo vụ việc hoặc mùa vụ, những người đàn ông này thường làm việc không có hợp đồng lao động và do đó không có sự bảo vệ của bất kỳ lưới an sinh xã hội nào. Tình trạng này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn phụ nữ vì phụ nữ thường có cơ hội đảm nhiệm các công việc hành chính với hợp đồng lao động ổn định.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định: Chuỗi các hoạt động lâm nghiệp - bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành - luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ. Do đó, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn đối với quốc gia.

z4754387633359_b42d7c69c69c91201ce7b8b30ccec04e.jpg
140 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật, và các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp cùng thảo luận

Hiểu rõ vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm khác nhau trong quản lý và bảo vệ rừng của phụ nữ và nam giới là bước đầu quan trọng trong việc chuyển đổi ngành lâm nghiệp sang hướng bền vững và công bằng xã hội. Để đạt được điều này, môi trường xã hội và chính sách cần nỗ lực tạo cơ hội công bằng cho phát triển nghề nghiệp của cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Santiago Alonso Rodriguez, Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khẳng định, bình đẳng giới không đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài và thành công của ngành lâm nghiệp. Việc thu hút sự tham gia phụ nữ và nam giới từ các tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp đảm bảo tính bền vững của các hành động này trong thực tiễn. Từ đó, giúp quá trình ra quyết định hiệu quả và bao trùm hơn.

Tại diễn đàn, các bên cùng thảo luận phương hướng trong cải thiện bình đẳng giới và đóng góp của bình đẳng giới vào phát triển lâm nghiệp bền vững. Ví dụ như hoạt động nâng cao chất lượng rừng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đạt hiệu quả và bền vững hơn khi lồng ghép các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội và bình đẳng giới. Hay tăng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và đào tạo phụ nữ về kỹ thuật, quản lý sẽ góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc. Các giải pháp hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia cho các vấn đề quan trọng liên quan đến bình đẳng giới đều hướng tới phương châm “Thúc đẩy bình đẳng giới vì ngành lâm nghiệp phát triển bền vững”.

Bên lề sự kiện, Ban tổ chức trưng bày triển lãm ảnh “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ” nhằm tôn vinh vai trò và những đóng góp đa dạng của phụ nữ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các bức ảnh thể hiện những câu chuyện, góc nhìn và kinh nghiệm sống động từ hơn 10 gương mặt phụ nữ ưu tú - họ là những cá nhân đóng góp tích cực cho việc lồng ghép và thực thi bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết thách thức về bình đẳng giới góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO