Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ với tổng vốn đầu tư là 84 triệu USD được triển khai từ năm 2013 – 2019 tại 10 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó khu vực ĐBSCL có 3 tỉnh tham gia dự án là: Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Đặc điểm chung của ba tỉnh này là có các vùng phát triển mạnh về chăn nuôi trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn và bò. Bên cạnh đó, đây cũng là các tỉnh trồng và xuất khẩu lúa, trái cây lớn nhất cả nước.
Anh Sơn Xà Pha, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ - Huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng: “Hiện gia đình đang chăn nuôi 8 con bò thịt, phân nhiều quá tôi ủ không kịp. Trước đây ủ khoảng 2 đến 3 tháng mới xử lý được nhưng thời gian quá lâu, tồn nhiều, gây ô nhiễm. Thêm một vấn đề nữa là chất thải chảy từ biogas, tôi có ao chứa nhưng tháng mưa ngập, nó tràn ra sang bên cạnh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sau khi tham gia dự án Lcasp, tôi được giới thiệu về mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện, tôi muốn làm theo cách này để giải quyết những tồn tại những biện pháp tôi đang sử dụng.”
Tham gia dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), môi trường chăn nuôi của các tỉnh không chỉ được cải thiện đáng kể mà các hộ, trang trại chăn nuôi còn phấn khởi khi tiếp cận được với các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện quy mô trang trại do dự án LCASP đề xuất gồm các công nghệ chủ yếu: Hệ thống tách chất thải để thu hồi chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; Hệ thống phát điện khí sinh học để sử dụng triệt để khí bioga sinh ra; Hệ thống sử dụng nước thải sau công trình khí sinh học để tưới vườn
Trong gần 5 năm triển khai thực hiện Dự án Lcasp đã tập trung nghiên cứu và đưa ra được các giải pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi so với các dự án trước. Thực tế triển khai các giải pháp này tại các hộ và trang trại chăn nuôi, các địa phương, các giải pháp này đã mang tại hiệu quả kinh tế cao và được người chăn nuôi đón nhận. Tuy nhiên, để có thể lan tỏa và nhân rộng mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi mà dự án LCASP đang triển khai lại không phải là chuyện dễ bởi chi phí đầu tư không nhỏ. Hơn nữa, mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn không thể so sánh với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Chính vì vậy, Dự án LCASP cũng đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.
Trước thực trạng trên, tháng 10 năm 2018 Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (Lcasp) tổ chức chuỗi Sự kiện: “Thúc đẩy tín dụng đầu tư cho các giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi” tại các tỉnh tham gia Dự án Lcasp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chuỗi sự kiện được tổ chức với mục đích giới thiệu đến các hộ, trang trại chăn nuôi các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện của Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp và các nguồn tín dụng ưu đãi cho vay đầu tư cho chăn nuôi và xử lý môi trường của dự án và các ngân hàng địa phương.